Ngọn cờ của cha là một trong những cuốn sách hay nhất và cảm động nhất về chiến tranh và những hệ luỵ của nó, một phần vì quyển sách truyền tải kiến thức và tạo xúc động qua cách thức ta không ngờ đến. Ở một mức độ nào đó, James Bradley đã soạn nên một bài điếu văn cảm động cho người cha của mình, tôn vinh ông chính vì những phẩm chất đích thực đã làm cho ông nổi danh ở Jwo Jima. Tác giả đã tạo nên về một trong những trận đánh ác liệt nhất trong lịch sử, một trận đánh mang đến chết chóc, thương tật và tàn phá trên diện rộng. Ngoài ra, tác giả còn suy tư về bản chất của anh hùng tính, sự cảm nhận của công chúng, và cái hố ngăn cách không gì lấp được giữa hai phạm trù.
“… Đây là chuyện có thật, không phải là một âm mưu được dàn dựng trong một cuốn phim giả tưởng.
Vào một ngày đầu tháng 12/1941, người dân Mỹ đang vui hưởng ngày Chủ Nhật bình lặng, không khí giáng sinh tràn ngập, bữa ăn đã xong, bàn ăn đã được dọn dẹp sạch sẽ máy thu thanh của gia đình đang phát ra một bản nhạc, một vở kịch, có lẽ đang tường thuật một trận bóng đá Mỹ chuyên nghiệp…
Và rồi thình lình, bản tin khẩn cấp được thông báo qua tiếng ồn điện từ lào xào. Một tương lai mới đang bắt đầu.
Vào lúc 2 giờ 25 chiều, các chương trình phát thanh đều bị gián đoạn; thính giả bị sốc.
Đài NBC phát bản tin đầu tiên: “Nhật đã tấn công Trân Châu Cảng, Hawaii, bằng không quân”. Năm phút sau một bản tin của NBC thông báo thêm chi tiết:
Trong một bản tuyên bố hôm nay, Tổng thống Roosevelt nói Nhật Bản đã tấn công Trân Châu Cảng, Hawaii, bằng không quân. Tôi xin lặp lại: Tổng thống Roosevelt nói Nhật đã tấn công Trân Châu Cảng, Hawaii, bằng không quân.
Khoảng tám mươi triệu người lắng nghe những bản tin tiếp theo sau. Một số người nghe được bản tin truyền trực tiếp bằng điện thoại mô tả sự tàn phá dữ dội ở Honolulu. Sau khi một quả bom rơi gần toà nhà phát thanh, phát thanh viên thét lên: “Đây không phải là trò đùa! Đây là chiến tranh thực sự!”
Ngày hôm sau, phần lớn những thính giả ấy – kể cả những hàng trăm nghìn trẻ em – mở máy thu thanh để nghe Tổng thống Franklin Roosevelt đọc một bài diễn văn dài sáu phút rưỡi với ngôn từ sẽ vang vọng mãi trong lòng người Mỹ:
Ngày hôm qua, 7 tháng 12, 1941 – một ngày sống mãi trong sự bỉ ổi – Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ bị những lực lượng không quân và hải quân của Đế quốc Nhật Bản tấn công một cách bất ngờ và cố ý…
Với niềm tin vào những lực lượng vũ trang của ta, với niềm tin sắt đá của nhân dân ta, chúng ta nhất định chiến thắng. Xin thượng đế phù hộ chúng ta!
Không phải là trò đùa. Mà là chuyện thật…”.
– “Câu chuyện được kể lại một cách sinh động. Đó không chỉ là một câu chuyện có thực hấp dẫn mà còn là một quyển sách truyền cảm, một sử thi về những con người bình thường trong những hoàn cảnh khác thường” – Báo Milwaukee Journal Sentinel
– “Những câu chuyện về lòng quả cảm làm đau xé con tim” – Báo New York Post
– “Đã có hàng nghìn quyển sách viết về trận đánh Iwo Jima. Ngọn cờ của cha kể về câu chuyện sáu người đã giương ngọn cờ, và hình ảnh hào hùng của họ… còn sống mãi” – Báo USA Today
– “Cách kể chuyện hấp dẫn, cách mô tả sống động và văn phong sâu lắng tạo nên một câu chuyện về lòng quả cảm, tính khiêm tốn, và bi kịch… Quyển sách này là một tác phẩm hùng hồn về cả hai lĩnh vực văn học và lịch sử… Rất đáng được giới thiệu với bạn đọc” – Tạp chí văn học Library Journal.
Mục lục:
Tên riêng và từ đặc biệt
Chương 1: Miền đất thiêng liêng
Chương 2: Những chàng trai Mỹ
Chương 3: Cuộc chiến của nước Mỹ
Chương 4: Tiếng gọi lên đường
Chương 5: Thi rèn mũi giáo
Chương 6: Hạm đội
Chương 7: Ngày D
Chương 8: Ngày D cộng 1
Chương 9: Ngày D cộng 2
Chương 10: Ngày D cộng 3
Chương 11: Để mỗi tên khốn kiếp có thể nhìn thấy
Chương 12: Những chuyện hoang tưởng
Chương 13: Giống như địa ngục mà không có lửa
Chương 14: Antigo
Chương 15: Trở về nhà
Chương 16: Chuyến du hành thứ bảy đồ sộ
Chương 17: Xung đột danh dự
Chương 18: Phim ảnh và đài tưởng niệm
Chương 19: Thương vong của chiến tranh
Chương 20: Phẩm giá đời thường.
Mời bạn đón đọc.