“Umberto Eco đã đánh dấu Nghĩa Địa Praha là tác phẩm “quỷ ám” nhất của mình, một bức chân dung xen lẫn giữa hận thù và tài diễn tấu của mình.” – L`Express
Sau Tên Của Đóa Hồng và Con Lắc Foucault, độc giả văn chương thế giới đã rất sốt ruột chờ đợi một đại tác phẩm nữa của Umberto Eco. Và rốt cuộc, Eco đã xuất bản Nghĩa địa Praha, một tác phẩm không phụ lòng trông đợi của bất kỳ ai say mê những cuốn tiểu thuyết hòa trộn lịch sử với văn chương theo một cách thức độc đáo vô cùng.
Simone Simonini là người Ý sinh ra ở Turin, nhưng hoạt động rộng khắp châu Âu vào nửa sau thế kỷ 19. Simone can dự vào hầu hết vụ việc chính trị quan trọng một thời: những cuộc hành quân của Garibaldi, vụ án Dreyfus, những cuộc thanh trừng thầy tu dòng Tên và thành viên Hội Tam Điểm… lúc nào Simone cũng ở trong bóng tối, là nhân vật mà cơ quan mật vụ tất cả các nước châu Âu đều thèm muốn.
Nhưng “sứ mệnh” quan trọng nhất của Simone Simonini là đối đầu với người Do Thái. Suốt đời mình, Simone đã thực hiện công việc này một cách không mệt mỏi, có lúc còn sát cánh bên Edouard Drumont, lãnh tụ phong trào bài Do Thái của châu Âu. Với Nghĩa địa Praha, Umberto Eco đã đưa ra một cách lý giải độc đáo, thậm chí thiên tài, về tai họa bài Do Thái ở châu Âu, mà hậu quả tất yếu là nạn diệt chủng trong Thế chiến thứ hai.
Nghĩa địa Praha là cuốn tiểu thuyết thứ 6 của nhà văn Umberto Eco ra mắt ngày 29 tháng Mười năm 2010 tại nhà xuất bản Bompiani (Ý). Ngay khi vừa xuất hiện, cuốn sách đã bán được 450.000 bản trong vòng chưa đầy hai tuần lễ. Tính tới thời điểm hiện tại, Nghĩa địa Praha đã được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ khác nhau trên toàn thế giới.
Mời bạn đón đọc.