Những quốc gia phát triển trên thế giới, và gần đây là những nước hoá rồng ở khu vực châu Á đều rất coi trọng chất xám, coi giáo dục là quốc sách. Mỹ là một quốc gia đi đầu trong việc thu hút nhân tài trên khắp trái đất, đó cũng là một trong những lý do khiến Mỹ trở thành cường quốc trên nhiều lĩnh vực.
Ở nước ta, để thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, sự nghiệp giáo dục – đào tạo cũng đã được đưa lên hàng đầu, trong xây dựng chiến lược kinh tế – xã hội thì chiến lược con người luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, xét trên bình diện chung, sự nghiệp giáo dục của chúng ta còn một số điểm bất cập: chất lượng giáo dục, đội ngũ cán bộ, giáo viên chưa đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của sự phát triển chung, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, lạc hậu…
Cuốn sách này cũng muốn góp thêm những suy nghĩ và kinh nghiệm trong vấn đề đào luyện con người. Ở đây, tác giả không đề cập đến những nguyên lý, chủ trương về công tác giáo dục hay thuyết giảng về những triết lý mới mà chủ yếu là từ thực tế và kinh nghiệm, muốn gợi ý cho người đọc, đặc biệt là những nhà giáo dục về phương diện nghệ thuật sư phạm dựa trên cơ sở tâm lý học để vận dụng vào việc giáo dục ở một số mặt, nhằm đạt đến hiệu quả trong sự nghiệp trăm năm trồng người của nước nhà.