Nghệ Thuật Nói Lái Qua Ngôn Ngữ Dân Gian Nam Bộ sẽ cho bạn đọc thấy hiện tượng ngôn ngữ này trong lòng dân tộc cùng những quy tắc của nó qua các câu chuyện kể, câu nói trong đời thường.
Lúc còn nhỏ xíu trong vùng đất quê Bến Tre, tôi đã sống trong thế giới kỳ ảo của nói lái. Những buổi chạy theo đám thả diều lúc vừa lên chín, lên mười, trời nắng chang chang, tư bề gió lộng, tôi đã từng ngẩn tò te với cái câu đó của thằng Quỳnh: “Tao đố mầy, “đốt rẫy bay tàn” là cái gì?
Tôi nào có biết nó muốn nói cái gì nên trả lời: “Thì đốt rẫy thì tàn lửa phải bay chớ có gì đâu mà mầy hỏi”
Nó áp ngón tay vào má, ngoe ngoe ngón tay trỏ, nói giọng bỡn cợt: “Quê một cục, ổng phải như mầy nói đâu. Đốt rẫy “bay tàn là bàn tay đây nè!”
Lần đầu tiên tôi quen lối nói đó và thấy nó cũng lý thú. Chẳng bao lâu, nó lại đố: “Ông đi trước đánh cái cheng, bà đi sau biểu đừng, là cái gì”.
Tôi mằn mò, lẩm nhẩm trong đầu, thử lấy chữ này ghép với chữ kia. Một chặp lâu hoắc sau, tôi lại hỏi nó: “Ê mầy, phải cái “Chưn đèn hôn”? Nó cười: “Vậy là bữa nay mầy biết nói lái rồi!”
Thiệt tình mà nói, như mở cờ trong bụng, tôi vui mừng quá cỡ vì thấy mình đã thâm nhập được vào trong một thế giới kỳ lạ tiềm ẩn của cuộc đời thường.
Có điều hơn nữa là tôi đã “trả thù” được thằng Quỳnh. Nó hơi lé mạy, lại đi cà nhót, tôi bèn xuất chiêu: “Lé Quỳnh là lính què”…
Mời bạn đón đọc.