Xem sách hay

Nam Bộ Dưới Thời Chúa Nguyễn Thế Kỷ XVII – XVIII

Mua ở đâu?
Trần Nam Tiến

Trần Nam Tiến

Trên cơ sở của nền văn hóa Óc Eo, nhà nước Phù Nam ra đời vào những năm đầu Công Nguyên. Với vị trí “cầu nối” giữa phương Đông và phương Tây, vùng đất Nam Bộ – một bộ phận lãnh thổ quan trọng của Vương quốc Phù Nam, mau chóng trở thành “miền đất hứa” cho những người từ các nơi đến lập nghiệp và góp phần quan trọng thúc đẩy vùng đất này phát triển. 

Từ cuối thế kỷ VI trở đi, Phù Nam ngày càng suy yếu, do đó vị thế trung tâm kinh tế thương mại Đông Nam Á mất dần. Đến thế kỷ VII, Phù Nam bị Chân Lạp thôn tính. Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài là chủ nhân của vùng Thủy Chân Lạp (Nam Bộ ngày nay), Chân Lạp đã không phát huy được những gì mà người Phù Nam tạo dựng nên trong nhiều thế kỷ trước đó, thậm chí còn làm cho nó ngày một suy tàn, và rồi bị bỏ quên trong suốt gần 10 thế kỷ. 

Vào đầu thế kỷ XVII, những lớp lưu dân người Việt đã đến vùng đất hoang địa và gần như “vô chủ” này sinh cư, đánh thức một vùng đất đầy tiềm năng ở phía nam Đại Việt. Từ xứ Mô Xoài (vùng đất thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay), các lưu dân Việt đã vào Gia Định – Đồng Nai và tiến dần xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các nhóm người Hoa rời bỏ Trung Hoa để đến Đại Việt xin tị nạn như Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch và Mạc Cửu, cũng đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển vùng đất Nam Bộ. Dưới bàn tay khai phá và xây dựng của các lớp lưu dân Việt cùng với những lớp người Hoa di cư sau đó, vùng đất Nam Bộ đã khởi sắc trở lại. 

Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cử Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, xây dựng các đơn vị hành chính cho vùng đất Đông Nam Bộ, chính thức xác lập chủ quyền của chính quyền Đàng Trong. Năm 1708, Mạc Cửu sau khi khai phá và xây dựng vùng đất Hà Tiên thành một vùng đất phát triển năng động đã quyết định dâng đất này cho chúa Nguyễn. Và cho đến năm 1757, những vùng đất cuối cùng của Nam Bộ ngày nay cũng được sáp nhập vào lãnh thổ Đàng Trong của các chúa Nguyễn. Sau khi đã hoàn thành xong việc xác lập hành chính ở Nam Bộ, các chúa Nguyễn đẩy mạnh khai khẩn vùng đất mới với sự cần cù của người Việt, kết hợp với tài buôn bán của người Hoa, chẳng bao lâu, Nam Bộ đã trở thành một vùng đất trù phú, màu mỡ. 

Có thể nói, các chúa Nguyễn chính là những người đi tiên phong trong việc mở rộng ngoại thương, đặt quan hệ giao thương quốc tế với nhiều quốc gia trên thế giới. Chính sự cởi mở, thiện chí trong chính sách ngoại thương đã có tác dụng thu hút hoạt động buôn bán của thương nhân nước ngoài vào Đàng Trong ngày càng mạnh mẽ hơn, làm cho Nam Bộ trở thành điểm hội tụ sôi động của thế giới, nơi cuộc tiếp xúc Đông – Tây diễn ra đầy ấn tượng vào thế kỷ XVII-XVIII. Đồng thời phát triển thương mại quốc tế là một chính sách quan trọng, phần nào mang tính “sống còn” của chính quyền Đàng Trong, nhằm tăng cường nguồn lực phát triển và củng cố sức mạnh tồn tại của vùng đất Đàng Trong trước áp lực rất lớn của chính quyền Đàng Ngoài. Như vậy, chủ trương “mở cửa”, phát triển ngoại thương của chúa Nguyễn không những đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội Đàng Trong mà còn phù hợp với xu thế phát triển thương mại quốc tế và khu vực lúc bấy giờ. 

Trên cơ sở nhận thức nêu trên, việc nghiên cứu vùng đất Nam Bộ dưới thời các chúa Nguyễn trong hai thế kỷ XVII và XVIII là việc làm cần thiết, mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn to lớn.

Mời bạn đón đọc.

 
Mua ở đâu?