Mười Giờ Rưỡi Đêm Hè:
Một cuộc tình tay ba kết thúc bi thảm tại một thị trấn nhỏ trong một đêm dông bão. Nhưng dông bão cuộc đời vẫn chực chờ ập xuống một cuộc tình tay ba khác, còn sống….
Cái kết để ngỏ đặt ra cho độc giả biết bao câu hỏi về sự sống, sự chết, ý nghĩa của cuộc đời, sự chung thuỷ và phản bội trong tình yêu, hạnh phúc và khổ đau….
Một lát cắt trong cuộc đời của các nhân vật chính mà dung lượng tưởng như chỉ đủ cho một truyện ngắn, nhưng dưới ngòi bút tài tinh của Marguerite Duras, nó trở thành một tiểu thuyết mini với giọng văn bình sự đầy hấp dẫn. Giọng văn đặc trưng của Marguerite Duras khó chịu đến mức cuốn hút buộc người đọc phải đọc liền một hơi cho kỳ hết mới thôi.
“- Paestra, tên là thế. Rodrigo Paestra.
– Rodrigo Paestra.
– Phải. Và anh chàng bị hắn giết là Perez. Toni Perez.
– Toni Perez.
Trên quảng trường, hai viên cảnh sát đi ngang dưới trời mưa.
– Hắn giết Perez vào lúc mấy giờ?
Người khách hàng không biết thật chính xác, khoảng quá trưa về chiều mà lúc này thì trời sắp tối. Đồng thời với Perez, Rodrigo Paestra giết luôn cả vợ mình. Hai nạn nhân được tìm thấy cách đây hai tiếng đồng hồ, mãi trong cùng một cái nhà xe, nhà để xe của Perez.
Trong tiệm rượu, bóng tối đã lan dần. Tận cuối phòng, trên chiếc quầy ướt át, những cây nến được thắp lên và ánh sáng của chúng vàng vọt, hoà lẫn với ánh sáng phơn phớt xanh của ngày tàn. Trận mưa rào bỗng tạnh đột nhiên như nó đã đột nhiên ầm ầm trút xuống.
– Bao nhiêu tuổi, cô vợ của Rodrigo Peastra? Maria hỏi.
– Trẻ măng. Mười chín tuổi.
Maria bĩu môi luyến tiếc.
– Tôi muốn một cốc rượu manzanilla nữa, chị bảo.
Người khách hàng gọi cho chị một cốc. Ông ta cũng uống rượu manzanilla.
– Tôi băn khoăn sao họ vẫn chưa bắt được hắn ta nhỉ, chị nói tiếp, thành phố bé tí tẹo thế này.
– Hắn thông thuộc thành phố còn hơn cả cảnh sát. Rodrigo, một tay cừ khôi đấy.
Quầy rượu đông nghịt. Người ta bàn tán về tội giết người của Rodrigo Peastra. Ai nấy nhất trí về Perez, nhưng về cô nàng thì không. Một cô bé oắt con. Maria uống cốc manzanilla. Một khách hàng ngạc nhiên nhìn chị.
– Bà vẫn uống như thế này à?
– Cũng tuỳ, chị nói, đại khái, vâng, gần gần như thế này.
– Một mình?
– Vâng, vào lúc này.
…..”
Mời bạn đón đọc.