Xem sách hay

Mùi Hương – Chuyện Một Kẻ Giết Người

Mua ở đâu?
Patrick Suskind

Patrick Suskind

Mùi Hương – Chuyện Một Kẻ Giết Người (Tiểu Thuyết):
Trong những căn nhà ổ chuột của nước Pháp thế kỷ mười tám, thằng nhỏ Jean – Baptiste Grenouille sinh ra được trời phú cho mọt khứu giác siêu phàm về mùi hương. Từ nhỏ, Grenouille đã sống và giải mã những mùi vị của Paris, rồi đi học nghề với một người làm nước hoa nổi tiếng, và gã đã học được cái nghệ thuật cổ xưa về chiết xuất tinh dầu và cây cỏ. Nhưng cái thiên tài cả Grenouille là ở chỗ gã không mãn ý mà dừng lại ở đó, gã trở nên ám ảnh với sự đánh hơi mùi vị của đồ vật, như là mì quả đấm của bằng đồng thau và mùi gỗ mới cắt. Thế rồi một ngày gã hít ngửi được váng vất một mùi hương sẽ khiến gã lao vào một cuộc truy tầm kinh khủng hơn bao giờ hết để tạo ra một "mùi hương tối thượng" – mùi hương của một trinh nữ đẹp. Được kể với giọng điệu trần thuật chói sáng kinh ngạc. Mùi hương chính là một câu chuyện đầy uy lực và ám ảnh về kẻ sát nhân và sự suy đồi nhục cảm.

Mùi hương, tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Đức Patrich Suskind, đã mang lại danh tiếng lẫy lừng cho tác giả. Một trong những phát hiện giật gân nhất năm qua. Đầy lôi cuốn. Một tuyệt tác. Một sự khai triển kinh ngạc, một tác phẩm bậc thầy về lối viết và quan niệm thẩm mỹ, khiến phải giở hết trang này đến trang khác.

Mời bạn đón đọc.


Mùi Hương – Chuyện Một Kẻ Giết Người

Mùi hương – lời cảnh báo của tội ác

(13-04-2007)

Lấy bối cảnh nước Pháp hồi đầu thế kỷ 18, thế kỷ của nghèo đói, bất công và những tai họa thảm khốc báo hiệu cơn bão táp đang tới, nhà văn Đức Patrick Suskind trong tác phẩm đầu tay của mình, đã chọn hiện thực này làm mảnh đất gieo trồng một hình tượng độc đáo vĩnh viễn của cái ác.

Những nhà thương thí liên hoàn với khu mương sình ngập ngụa hài cốt người nghèo, con bệnh giang mai sống là những đàn bà thị dân nghèo mới ngoài hai mươi tuổi, mỗi lần sinh nở chỉ tống ra một thứ “của nợ” lùng nhùng, bị gạt ngay vào đám rác rưởi; trẻ em vô thừa nhận bị vắt kiệt sức, sống trong những công việc địa ngục tăm tối nhất; hiện thực trong tác phẩm được tô đậm bằng cảm quan đen tối và phi lý, chối từ bất cứ cái nhìn nào của “thế kỷ ánh sáng”. Jean – Baptiste Grenouille là đứa trẻ vô thừa nhận, con của một trong những đàn bà ấy, nó chỉ tồn tại được nhờ thứ bản năng lạ lùng, bản năng phản kháng ác độc, thách thức cả môi trường chung quanh, vốn thích hợp với cái chết hơn là sự sống. Nhà văn dẫn dắt chúng ta qua câu chuyện kỳ lạ, cuộc vật lộn sinh tồn của sinh vật Grenouille, đứa trẻ không có mùi con người, sự sống trong trạng thái đen tối… Sinh ra từ cái ác, tồn tại một cách siêu nhiên, hình tượng “thiên tài mùi hương” của Patrick Suskind là một lời cảnh báo, dù cho xã hội loài người đã trải qua biết bao chặng đường tư tưởng, thì “thế lực của quỷ Satan” vẫn đồng hành như một điều bí ẩn vượt lên nhận thức thông thường. Những cuộc thế chiến liên tục diễn ra sau khi con người đạt đến đời sống văn minh chính là minh chứng cho điều đó.
P. S

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


Mùi Hương – Chuyện Một Kẻ Giết Người

Mùi hương” hay cái đẹp và sự hủy diệt

(SGGP Ngày 16/05/2007)

Khó có thể xếp Mùi hương (NXB Văn Học phối hợp cùng Công ty Nhã Nam thực hiện) của nhà văn Đức Patrick Suskind vào một thể loại văn học nào. Theo như giới thiệu, cuốn sách này là “câu trả lời của văn học châu Âu với dòng văn học lãng mạn huyền ảo Mỹ Latinh”. Thế nhưng cuốn sách lại không đơn giản như chính nó tự nhận, câu truyện là một sự pha trộn giữa nhiều thể loại. Có một chút trinh thám, rồi lại thấm đẫm hương vị quảng bá nghề pha chế hương thơm của châu Âu vào thế kỷ 18.

Mãnh liệt của một chuyện tình, ma quái như một tiểu thuyết kinh dị nhưng lại đồng thời không thiếu chất hiện thực xã hội và cuối cùng điểm nhấn kết thúc của cuốn sách lại mang nặng chất triết lý cuộc sống. Phức tạp như vậy nhưng đúng như các nhà phê bình thế giới đã nhận xét, Patrick Suskind đúng là một thầy phù thủy khi đã nhào nặn và biến đống hổ lốn đó thành một tác phẩm văn học đầy ấn tượng.

Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính Jean-Baptiste Grenouille, một thiên tài về cảm nhận mùi, cũng là kẻ được coi là “bệnh hoạn nhất trong những kẻ bệnh hoạn”.

Grenouille sinh ra trong một bi kịch xã hội, nhờ một sự may mắn mà gã đã được cứu sống thay vì chịu kết cục bị bỏ chết như bốn người chị em khác trước đó. Nhưng đi kèm với sự sống là cái chết của mẹ gã và như một định mệnh, tất cả những ai gắn liền với Grebouille đều chịu những kết cục bi thảm.

Tác giả đã xây dựng nên một Jean-Baptiste Grenouille ở đỉnh cao của sự cô độc. Không bạn bè, không người thân, thậm chí ngay cả tư cách là một con người “có mùi như mọi người” gã cũng không có.

Trong cái nhà tù khủng khiếp của sự cô độc đó, Grenouille chỉ có một bấu víu cuối cùng, đó chính là cái mũi siêu phàm của gã, cái mũi giúp gã nhìn ra cả một thế giới mà không ai nhìn thấy, thế giới của mùi hương. Ở thế giới đó, Grenouille là vị hoàng đế độc tôn, mạnh nhất, cao quý nhất. Và chỉ có cái thế giới đó mới cho gã một tình yêu thật sự, một ham muốn thực sự và trên hết là cả một lý tưởng. Lý tưởng đi tìm một mùi thơm có “vẻ đẹp hoàn mỹ” nhất. Và ước mơ đó đã tạo nên một bi kịch khủng khiếp khi gã khám phá ra rằng cái mùi thơm đó chỉ có ở các nàng trinh nữ mới lớn.

Chính ở đây ý niệm về cái đẹp và sự hủy diệt đan chéo nhau gây cho người đọc một cảm giác choáng ngợp đến bàng hoàng. Để có được mùi thơm của hoa, người ta phải nghiền nát những cánh hoa, đun sôi, ép chặt và đến khi không còn mùi thơm nữa thì những cách hoa cũng chỉ còn là những mảnh vụn nát bét. Và với gã, những con người mang mùi thơm lý tưởng cũng như những cánh hoa đó, cũng cần phải làm như thế để rút ra được mùi thơm, cái mà đối với gã mới là điều quan trọng nhất.

Kể từ đó đối với tất cả xã hội gã trở thành một con ác quỷ với cái cách mà hắn dùng để lấy mùi thơm từ các nàng trinh nữ, một điều mà hắn không sao hiểu được khi với hoa thì bình thường còn với người lại không được “điều quan trọng chỉ là mùi thơm thôi mà” Grenouille đã ngạc nhiên nhận định.

Cái đẹp của tội ác, một nhận định mâu thuẫn khi đã là tội ác thì không thể đẹp nhưng đối với Jean-Baptiste Grenouille đó lại là nhận định hợp lý nhất. Tội ác chỉ có với con người, Jean-Baptiste Grenouille chưa bao giờ là một con người đúng nghĩa, từ tâm hồn đến thể xác. Chính vì thế những hành động của gã đối với mọi người là tội ác nhưng đối với chính gã lại là đỉnh cao của cái đẹp.

Nhà văn Patrick Suskind đã kết thúc cuốn sách theo cách vừa đẹp lại vừa kinh dị. Jean-Baptiste Grenouille sẽ sống với thế giới phù du nhưng đầy mạnh mẽ của gã một cách vô tư, hạnh phúc nhất nếu gã không cố trở thành một con người. Và khi đã dần trở thành một con người thì tất cả những gì tươi đẹp, lý tưởng nhất đối với gã trước đây lại trở thành một cơn ác mộng, ác mộng của tội ác như nó vốn dĩ là vậy với mọi người.

Ám ảnh, mãnh liệt, bất ngờ, tất cả làm nên một câu chuyện đầy tính nhân bản về giá trị của cái gọi là “vẻ đẹp hoàn mỹ”. Jean-Baptiste Grenouille là một “vẻ đẹp hoàn mỹ”, vẻ đẹp tuyệt đối của mùi hương. Thế nhưng, nếu cái đẹp đó không chứa trong nó một trái tim con người thì vẻ đẹp đó cũng chẳng khác gì một tội ác tột cùng.

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


Chuyện Một Kẻ Giết Người
(VTV1 Ngày 11/05/2007)

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


Mùi Hương – Chuyện Một Kẻ Giết Người
Chúng ta đang đọc những cuốn sách cũ
Ngày 02/06/2007
Mùi hương – cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn người Đức Patrick Susskind vừa được NXB Văn học cho ra mắt bạn đọc trong tháng 4.2007, cũng là cuốn sách mà NXB Lao động in năm 2005, cùng với một người dịch là Lê Chu Cầu. Mùi hương mới in trông có vẻ “bắt mắt” hơn, cùng với lời “dẫn dụ” câu khách rằng đây là “Chuyện của một kẻ giết người”.

Đây có phải là câu chuyện của một kẻ giết người không, xin bạn đọc hãy tự kiểm tra. Tuy nhiên, qua đánh giá của dư luận thì rõ ràng đây là một cuốn sách hay, hấp dẫn, từng nằm trong danh sách bestseller. Mùi hương cũng vừa được dựng thành phim năm 2006, tại Đức; và hiện đã có đĩa DVD ở VN.

Với tất cả những thông tin trên, thoạt qua chúng ta sẽ cảm tưởng rằng đây là một cuốn sách mới. Kỳ thực Mùi hương đã được in tại Đức từ năm 1985 và sau đó đã xuất bản nhiều nơi trên thế giới. Hơn 20 năm, một cuốn sách hay mới đến tay bạn đọc VN. Nói một cách nào đó, chúng ta đang đọc một… cuốn sách cũ.

Việc chúng ta đang đọc những cuốn sách cũ, hình như đang là một “xu hướng”. Năm 2005, NXB Hội Nhà văn ấn hành cuốn Những mẩu chuyện nước Ý của Macxim Gorki; theo lời dịch giả Nguyễn Thụy Ứng thì bản dịch đầu tiên đã được in vào năm 1968 bởi NXB Văn hóa. Cuốn sách sau gần 40 năm đã được dịch lại một cách kỹ lưỡng hơn trước khi cho tái bản. Nhưng vào thời điểm 40 năm trước, Những mẩu chuyện nước Ý cũng không phải là mới; bởi nó đã được in ở Nga vào năm 1920.

Cũng tương tự như thế, năm 2006 NXB Đà Nẵng & Nhà sách Kiến thức cho in cuốn tiểu thuyết Rừng thẳm của nhà văn người Pháp Julien Gracq (Hoàng Hà Constant dịch), thì cuốn sách này đã được xuất bản ở Pháp từ năm 1958; năm 2006, NXB Văn học cho in cuốn tiểu thuyết Zorba-con người hoan lạc của nhà văn người Hy Lạp Nikos Kazantzakis (bản dịch Dương Tường) thì trước đó cuốn này đã được in nhiều lần; với bản in bằng tiếng Anh đầu tiên vào năm 1965; năm 2006, độc giả VN đón nhận một cách hứng khởi cuốn tiểu thuyết Hạt cơ bản của Michel Houellebecq (NXB Đà Nẵng; bản dịch Cao Việt Dũng) với tất cả sự mê hoặc, mới mẻ của nó; thì cuốn này đã được in ở Pháp vào năm 1998 v.v…

Hầu hết những cuốn sách in lại đều cẩn thận viết lời giới thiệu, chú thích bản in lần thứ mấy, để độc giả có đối sánh và soi rọi tốt hơn. Chọn lựa những dịch giả giỏi, có “gu” riêng với từng tác giả, từng dòng văn học để có những ấn phẩm tốt nhất là điều mà các NXB và những người làm sách hết sức cân nhắc.

Thông thường là dùng lại những bản dịch cũ của những dịch giả giỏi đã được thẩm định qua thời gian. Chẳng hạn, khi đọc Chân dung chàng nghệ sĩ trẻ của James Joyce (Hoàng Hạc -1970) thì khó có thể chê bản dịch của Đỗ Khánh Hoan và Nguyễn Tường Minh; đọc Của chuột và người của John Steinbeck hẳn rất thích thú với bản dịch của Hoàng Ngọc Khôi và Nguyễn Phúc Bửu Tập, từng được giới thiệu trên Tập san Văn (1967)… Cho nên những bản in lại sau này đều chọn phương án tối ưu là sử dụng lại những bản dịch cũ ấy.

Cũng có những trường hợp, người làm sách cho dịch lại bản sách đã in. Nhưng trong tình trạng chúng ta đang “neo” dịch giả giỏi, tâm huyết với nghề như hiện nay thì những bản dịch mới thường không mấy thành công. Ví dụ cuốn Tự do đầu tiên và cuối cùng của Krishnamutri đã được dịch lại, nhưng nếu được phép chọn lựa, người mê sách hẳn vẫn thích đọc bản dịch của Phạm Công Thiện (An Tiêm -1968).

Đối với mảng sách văn học nước ngoài, bên cạnh việc giới thiệu một cách kịp thời một số tác phẩm đoạt những giải thưởng danh giá, như Nobel, Goncourt, Booker…; thì có thể nói chúng ta vẫn đang đọc hầu hết những cuốn sách cũ. Việc giới thiệu kịp thời những tác phẩm đoạt những giải thưởng văn học danh giá là cần thiết. Nhưng, chúng ta ai cũng biết là có những cuốn sách rất hay mà không hề nhận được giải thưởng nào.

Nói như GS Hán học người Đức Wolfgang Kubin thì ngay cả giải Nobel văn học cũng là thứ yếu: “Ai viết không hay thì mới mong có thể nhận giải. Nếu viết được thì cả đời chẳng cần hy vọng (giải) gì”.

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


Mẹ Teresa – Trên Cả Tình Yêu

“Mẹ Teresa – Trên cả tình yêu”
(VTV Ngày 08/03/2008)

Được mệnh danh là “Vị thánh của người cùng khổ” Mẹ Teresa là một trong những người phụ nữ nổi tiếng nhất và được kính trọng nhất của thế kỷ 20. Mẹ đã dành trọn đời mình cho những người nghèo, cho những trẻ em mồ côi sống vất vưởng trên đường phố, cho những con người đang bệnh tật, phong cùi hay đang hấp hối… Cuốn sách “Mẹ Teresa – Trên cả tình yêu” sẽ giúp bạn thấy rõ hơn chân dung người phụ nữ đặc biệt này.

Bất cứ ai trên thế giới này, khi nhắc đến cái tên Teresa, đều nghĩ đến biểu tượng của một người phụ nữ thánh thiện, cao cả nhất thế gian này. Không vì với nhiều giải thưởng cao quý, trong đó có giải Nobel Hòa bình, và được Giáo hội công giáo phong Á thánh sau 6 năm qua đời, điều khiến mẹ Tersera vĩ đại hơn cả, đó là sự giản dị, quên mình và lòng nhân ái, quảng đại vô biên.

Lúc sinh thời, Mẹ từng nói: “Theo huyết thống, tôi là người Anbani. Theo quốc tịch, tôi là người Ấn Độ. Theo đức tin, tôi là một nữ tu công giáo. Theo ơn gọi, tôi thuộc về thế gian này. Và theo con tim, tôi hoàn toàn thuộc về những người bất hạnh, khổ đau”.

Với tất cả tấm lòng “đưa tay ra để chia sẻ – dành trái tim để yêu thương”, mẹ đã chăm sóc không mệt mỏi những kẻ bất hạnh bị lãng quên bên lên lề cuộc sống. Bằng lòng tin đặc biệt, bằng tầm nhìn thánh thiện, bằng trái tim chân thành và bằng những lời nguyện cầu, Mẹ đã viết nên những câu chuyện kỳ diệu về lòng chia sẻ và tình yêu thương.

Khi còn là một nữ tu dòng Loreto trong vai trò là một giáo viên dạy địa lý và lịch sử, sơ Teresa không chỉ dạy chữ mà còn dạy thương yêu và dâng hiến tình yêu. Ngoài nhiệm vụ dạy học, sơ dành thời gian để giúp đỡ những người nghèo khổ trong những khu nhà ổ chuột ở Calcutta (Ấn Độ). Chứng kiến cuộc sống bi thảm của họ đã làm sống dậy trong sơ Teresa ước muốn được sống giữa người nghèo, nếm trải sự đói khổ cùng họ từ đó mới có thể thấu hiểu và xoa dịu nỗi đau của họ.

Năm 38 tuổi, sơ quyết định rời bỏ dòng Đức Mẹ Loreto – một quyết định thật khó khăn và đau đớn để khoác lên người chiếc áo sari trắng viền xanh như những người phụ nữ Ấn Độ nghèo khó nhất. Cuộc hành hương vào giữa khổ đau của nhân loại thực sự bắt đầu.

Trong suốt những câu chuyện của Mẹ Teresa được kể lại trong cuốn sách, Mẹ đã lồng vào đó đức tin của một nữ tu công giáo. Tuy nhiên, vượt lên những tư tưởng thần học đó là bức thông điệp đầy yêu thương. Mẹ từng nói, công việc từ thiện của chúng tôi chẳng gì hơn ngoài dòng chảy tuôn trào của tình yêu mà chúng tôi dành cho mọi người.

Mẹ từng khuyên mọi người rằng, có thể chúng ta không đủ giàu có để giúp đỡ cho những người nghèo đói, không đủ tiền bạc hay của cải để hoán đổi cuộc đời của một ai đó, nhưng điều chúng ta luôn có thể làm – Đó là trao ban cho người khác nụ cười, niềm vui và sự tận tâm phục vụ. Ngay trong sự hy sinh phục vụ, ta tìm thấy ý nghĩa cuộc sống của mình. Phải chăng đó là một bài học về tình yêu đầy ý nghĩa.

Sau hơn 50 năm dấn thân phục vụ những người cùng khổ Mẹ Teresa đã vĩnh viễn ra đi năm 1997. Mẹ đã sống 87 năm trọn vẹn với tình yêu thương và dâng hiến quên mình. Mẹ Teresa được cả thế giới xúc động và ngưỡng mộ, không vì mẹ là một tài năng xuất chúng, mà đơn giản vì Mẹ là một người giàu lòng trắc ẩn và một trái tim mở rộng yêu thương.

Phương Hoa

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


Tru Tiên – Đại Kết Cục
(Thứ tư, 26/03/2008)
Xuất bản ‘Tru Tiên – đại kết cục’
Trang bìa tập sách.

Tập cuối bộ truyện được coi là một trong Tam đại kỳ thư Internet của Trung Quốc vừa được ra mắt – một năm sau khi tập đầu tiên được giới thiệu tại Việt Nam.



Tru Tiên – Đại kết cục giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ trong những màn đấu lực, đấu phép, tu chân luyện đạo với cách biểu đạt vừa êm đềm vừa phóng khoáng. Tập truyện tập trung gỡ nút bằng cách lý giải những câu hỏi như: vì sao Tru Tiên kiếm được đặt ở hậu sơn Thanh Vân, phải chăng là một cửa đạo trời mở cho người lên thành tiên? Vạn Kiếm Nhất không phải người sợ chết, mà sao lại chết cả cõi lòng? Quỷ tiên sinh có quan hệ gì với ông ta và Đạo Huyền? Người Trương Tiểu Phàm nhìn thấy trong lòng giếng năm nào phải chăng thực sự là Bích Dao, hay chỉ là một lời nói an ủi?

Tuy là một tác giả trẻ, nhưng qua Tru Tiên, Tiêu Đỉnh thể hiện sự am hiểu về triết lý nhân quả, chính tà, thiện ác… Anh từng phát biểu: “Đối với tôi, Tru Tiên không chỉ là một tiểu thuyết, mà là một cá thể có đời sống riêng. Luôn luôn và luôn luôn, hai từ Tru Tiên hiện lên trong trí tôi như sự khẳng định về một thực thể tồn tại trên đời. Vì vậy, bằng sự tôn trọng đối với Tru Tiên, cũng như sự tôn trọng đối với độc giả, tôi phải bảo vệ quyền tự sinh tự sản của nó, các bạn không thể thay đổi được kết cục, tôi cũng vậy thôi, mặc dù tôi là người tạo ra Tru Tiên”. Sách do NXB Văn hóa Thông tin ấn hành.

B.T.
(Evăn)

Mua ở đâu?