Cái khác lạ dễ nhận ra nhất ở cuốn sách ảnh Mùa Nắng Phai đó là chất hội họa bảng lảng trong từng tác phẩm.
Nguyễn Quốc Dũng vốn là người vẽ, đi học vẽ, hành nghề vẽ, có nhiều triển lãm tranh riêng chung trong ngoài nước. Có thời gian dài làm hội họa rồi mới “bỗng dung” chuyển “gam” sang nhiếp ảnh. Thế nên cũng là dễ hiểu khi đằng sau người chụp luôn có bóng hình người vẽ.
Chất hội họa trong ảnh của tác giả nói chính xác phải là chất đồ họa. Tức là thiên về mảng phẳng, ít chi tiết, bố cục khúc chiết gồm 2 hoặc 3 miếng lớn, vuông bằng sổ thẳng. Ví dụ một (hoặc một nhóm) nhân vật đứng trước một cái nền nào đó, có thể là bức tường, có thể là cánh đồng, mặt ao hoặc cơn mưa…
Nhiếp ảnh chỉ có hai con đường, một là nhiếp ảnh báo chí, hai là nhiếp ảnh nghệ thuật. Với nhiếp ảnh báo chí thì quan trọng nhất là chụp gì chứ không phải chụp thế nào. Tức là nội dung quan trọng hơn hình thức. Ngược lại ảnh nghệ thuật thì hình thức quan trọng hơn nội dung, cách chụp quan trọng hơn đối tượng được chụp. Nói cách khác, với ảnh nghệ thuật thì màu, bố cục, ánh sáng, đậm nhạt… là chính. Vì vậy mà ảnh nghệ thuật gần hội họa. Bởi vì hội họa chính là hình thức, nhân vật kỹ sư được vẽ ra sao chứ không phải bức tranh anh kỹ sư thì hay hơn bức tranh bác nông dân.
Trong những tác phẩm của mình, tác giả cũng hiểu điều này nhưng anh ấy vẫn muốn “tham lam”, vẫn muốn làm cả hai, cả hình thức và nội dung. Cho nên cái nội dung – áo dài được chọn là đề tài xuyên suốt. Mùa Nắng Phai, một cái tên gợi không thôi, những cô gái mặc áo dài cũ, yếm váy đụp cũ trên một bối cảnh cũ, nhà Bắc Bộ 3 gian 2 chái, cầu ao đá, giếng chùa, cổng làng, ao bèo; những vẻ đẹp cũ, không khí cũ yên bình, mùa nắng cũ hay mùa của thời gian đã qua… Hóa ra phong cảnh làng quê, những cô gái trẻ đẹp nõn nà, những lụa bạch, yếm phai, những cơn mưa, những đồng lúa, những ao bèo, những ánh sáng bóng tối, những thân phận, những nỗi niềm… cũng chỉ là nguyên liệu để tác giả làm mình, làm Mùa Nắng Phai của riêng mình.
Mời bạn đón đọc.