Xem sách hay

Một Thời Niên Thiếu – Tiểu Thuyết

Mua ở đâu?
Alphonse Daudet

Alphonse Daudet

Một Thời Niên Thiếu – Tiểu Thuyết:
Anphôngxơ Đôđê là một nhà văn hiện thực Pháp. Ông sinh tại Ni-mơ, một thành phố ở miền Nam nước Pháp. Cha ông bị phá sản khi ông còn nhỏ. Đó là khi xí nghiệp tơ vải bị suy sụp và phải đóng cửa. Gia đình ông phải rời quê lên Ly-ông sinh sống. Nhờ một học bổng nên ông tiếp tục được theo học bậc trung học. Nhưng rồi cuối cùng ông phải thôi học trước cuộc ly hôn của cha mẹ. Bởi vậy, tuy chưa học hết trung học, ông phải tìm cách dạy trẻ để kiếm ăn.

Năm 17 tuổi, ông cùng với người anh là Éc-net đến Pari và xin vào làm cho một tờ báo. 14 tuổi ông đã viết văn, 18 tuổi ra thi tập “những người đàn bà đang yêu” và được công chúng đón nhận ngay. Sau đó là tập thơ “Những lá thư từ cối xay gió”, xuất bản năm 1866. Ông đoạt giải thưởng văn chương Pháp với quyển “Fronmont cháu trẻ và cụ Riller”. Trường tiểu thuyết Táctaranh vùng Taratxcông được đánh giá là đặc sắc nhất của ông.

Những độc giả Pháp đặc biệt yêu mến ông qua cuốn tiểu thuyết “Một thời niên thiếu”, gần như là thiên hồi kí thời niên thiếu đau khổ của chính mình. Với văn phong giản dị, ông diễn tả sự việc một cách xác thực, đầy chất thơ và lãng mạn nhưng không kém phần hài hước, châm biếm hóm hỉnh mà sâu sắc, đã lưu lại trong lòng độc giả cảm giác nhẹ nhàng sâu lắng bên cạnh những nhân vật tương phản mà hết sức gần gũi, chân chất thật thà.

“Hồi ấy, cha tôi – ông Ếc-séc-tơ buôn bán khăn quàng cổ và có một ngôi nhà xinh đẹp, rợp bóng mát của những cây dương ngô đồng và cách biệt các xưởng làm việc bởi một khu vườn rất rộng. Chính ở ngôi nhà này tôi đã cất tiếng khóc chào đời và trải qua những năm tháng đầu tiên êm đềm sung sướng.

Giờ đây, tôi vẫn còn nhớ và cảm ơn khu vườn cây ấy, xưởng dệt ấy và những cây dương ngô đồng với biết bao kỷ niệm khó quên, bởi khi nhà tôi bị sa sút, tôi phải biệt xa nơi ấy, tôi mãi thương nhớ chúng thực sự như thương nhớ những người thân yêu ruột thịt của mình.

Phải nói rằng, từ khi sinh ra, tôi không mang lại hạnh phúc cho gia đình Ếc-séc-tơ. Chính cô An-nu, người nấu ăn cho chúng tôi thường kể chuyện với tôi lúc bấy giờ như thế. Vào thời gian đó, cha tôi đương đi du lịch và thật bất ngờ, cùng một lúc ông nhận được tin tôi ra đời và tin một khách hàng ở Mác-xây từ trần còn nợ lại ông bốn mươi ngàn quan. Ông Ếc-séc-tơ bối rối đến nỗi vừa vui vẻ đồng thời lại vừa rầu rĩ tự hỏi: Mình đang khóc vì người khách hàng ở Mác-xây từ trần hay đang vui mừng vì đứa con trai Đa-ni-en ra đời được bình yên?.

– Ông đang khóc đấy! Cái ông Ếc-séc-tơ hay nhẹ dạ cả tin, ông cần khóc gấp bội phần lên.
Đúng là ngày sinh ra tôi cũng là ngày bắt đầu hoạn nạn liên tiếp giáng vào cha mẹ tôi. Khởi đầu và vụ vỡ nợ bởi cái chết của người khách hàng ở Mác-xây. Rồi hoả hoạn xảy đến hai lần trong một năm. Tiếp đến các thợ dệt len khung vải đình công, rồi mối bất hoà với ông Báp-tis-tơ anh ruột mẹ tôi, lại việc kiện cáo các người bán phẩm nhuộm tốn kém khá nhiều tiền của. Cuối cùng là cuộc cách mạng 18… và cũng như tất cả những cuộc cách mạng khác, trước hết nó làm tê liệt hết thảy các việc làm.

Bấy giờ, xí nghiệp dệt khăn quàng cổ sắp ở vào tình trạng nguy đốn. Các xưởng làm việc dần dần trống rỗng. Một tuần lễ một máy dệt tay phải nghỉ việc. Mỗi tháng một bàn in hoa lại kém đi. Thật là đau lòng khi phải đứng nhìn đời sống gia đình rơi dần vào tuyệt vọng như một người ốm nặng, mỗi ngày lại từ từ yếu đi một tí. Dần dần không còn ai bước chân vào cái gian thứ hai, bên trái để làm việc. Đến lượt cái sân ở phía cuối xưởng cũng bị bỏ hoang trong suốt hai năm ròng. Hai năm ấy, xí nghiệp dệt len gần chết. Sau hết là ngày không còn công nhân nào đến làm việc. Chuông ở các xưởng chẳng còn nghe thấy tiếng reo và cái tời quay tay kéo nước ở giếng thôi hẳn không còn kêu kèn kẹt nữa. Nước lắng đọng trong các bể cạn lớn mà trước đây dùng để giặt len, xí nghiệp hoàn toàn chết hẳn. Chỉ còn cha tôi, mẹ tôi, anh Giắc-quơ và tôi; ở đằng xa tít kia còn chú gác cổng Cô-lom-bơ và đứa con nhỏ Ru-giê trong coi nhà xưởng vắng tanh…”.

Mời bạn đón đọc.


 
Mua ở đâu?