” Một người Việt Nam thầm lặng” là một cuốn sách đầy đủ tư liệu, dựng lên khá trung thành về cuộc đời và nhân cách của Phạm Xuân Ẩn. Nhằm giới thiệu rộng rãi cho độc giả ngoài nước biết về cuộc đời đầy bí ẩn của nhà tình báo hoạt động trong lòng địch dưới vỏ bọc một nhà báo suốt hơn 20 năm, cho đến khi chiến tranh kết thúc mà không hề bị lộ.
“Chúng ta đang có mặt trong phòng tác chiến của Bộ Tư Lệnh Hành quân Mỹ”. Tướng Giáp đã phải thốt lên khi đọc những bản báo cáo do X6, một điệp viên nằm vùng ở phía bên kia gửi về. Ở thời điểm đó Tướng Giáp, cũng như hầu hết mọi người khác, không được tìm hiểu xem ai là tác giả của những bản báo cáo bí mật đó.
Người đó là nhà báo, nhà tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn. Cuốn sách này dàng để kể về cuộc đời ông, một câu chuyện khác thường về một điệp viên đã thách thức nước Mỹ.
Được đào tạo tại Californie, là nhà báo của hãng Reuter rồi chuyển sang tuần báo Time của Mỹ, Phạm Xuân Ẩn đã xây dựng được một mạng lưới quan hệ rất rộng rãi, cho phép ông tiếp cận với những hồ sơ tối mật nhất. Ở Sài Gòn, ông có thể ra vào khắp nơi: Bộ Tổng tham mưu, Trụ sở CIA, Văn Phòng Chính Phủ, Toà Đại Sứ Mỹ…
Jean – Claude Pomonti, nhà báo Pháp, quen biết ông từ những năm 1968, đã cố tìm gặp lại ông sau chiến tranh. Sau gần 15 năm trò chuyện, Pomonti đã khám phá ra được chiều kích thật sự của nhân cách Phạm Xuân Ẩn, đó là sự pha trộn của tinh thần yêu nứơc, lòng quả cảm, trí thông minh và tinh thần nghiêm túc. Cho tới khi mất, dường như ông vẫn chỉ là ” Một người Việt Nam thầm lặng” giống như biết bao người Việt Nam khác, còn sống hay đã ngã xuống trên chiến trường trong cuộc chiến tranh này.
Mời bạn đón đọc.
Hai cuốn sách hay về Phạm Xuân Ẩn
(Ngày 04/10/2007)
Tư liệu, đời sống và nhân cách Phạm Xuân Ẩn – nhà báo, điệp viên tên tuổi của thế kỷ 20 đang được những ký giả, nhà nghiên cứu nước ngoài tái hiện khá sống động, hấp dẫn…
Phạm Xuân Ẩn, thiếu tướng tình báo Quân đội Nhân dân Việt Nam, từng là nhà báo cho các tờ báo và hãng thông tấn như Time, Reuters, New York Herald Tribune… Có thể truy cập thông tin về điệp viên lừng danh này trên những trang web nước ngoài, từ điển Wikipedia.org và nhiều nguồn tư liệu lịch sử. Hiện nay, tại các nhà sách Việt Nam, chân dung ông thể hiện rõ với bạn đọc trong hai cuốn sách đặc tả khá chi tiết, giá trị của Jean-Claude Pomonti qua cuốn Một người Việt Nam thầm lặng (NXB Thanh Hoá) và mới đây là cuốn Điệp viên hoàn hảo của giáo sư Larry Berman vừa được NXB Thông tấn phát hành bằng tiếng Việt.
Giá trị tư liệu về Sài Gòn thời trước 1975 được Jean-Claude Pomonti (phóng viên thường trú của nhật báo Pháp Le Monde tại Sài Gòn trong những năm trước và sau chiến tranh) được đặc tả khá độc đáo.
Sách của Jean-Claude Pomonti giàu tính tư liệu thực, quan trọng, làm sống lại một giai đoạn đầy phức tạp của cuộc chiến tranh tại Sài Gòn. Hai mươi hoạt động tình báo của Phạm Xuân Ẩn, “cơ duyên” từ một chàng trí thức từng đạp xích lô giúp cha, nuôi em trở thành thư ký công ty xăng dầu, nhân viên thuế quan, vào chiến khu D và gặp bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, chọn con đường tình báo, được học tại California, làm cho báo Time và xây dựng mạng lưới rộng rãi. Nhờ đó mà ông có thể tiếp cận những hồ sơ bí mật, có thể ra vào các cơ quan mật vụ chế độ Sài Gòn, đại sứ Mỹ, CIA… một cách dễ dàng.
Hai mươi năm câu chuyện của một điệp viên vừa tài ba vừa chí tình chí nghĩa với cả những đồng nghiệp vì nhiều lý do phải đóng vai bên kia chiến tuyến…, nhân cách và con người lý tưởng Phạm Xuân Ẩn qua ngòi bút của Pomonti là nhân vật lịch sử của một dân tộc với tinh thần nhân loại nhất: “Ông đã thách thức cả chính quyền Hoa Kỳ, đã chấp nhận những rủi ro kỳ lạ, chấp nhận những hy sinh lớn lao. Ông tỏ rõ là chiến lược gia hàng đầu, là một trong những nhà tình báo vĩ đại một thời”.
Trong khi đó, Điệp viên hoàn hảo của giáo sư Larry Berman với số trang dày dặn hơn, khi xuất hiện ở Mỹ vào tháng 3.2007, đã thu hút sự quan tâm. Đây là “Cuốn sách về một trong số những điệp viên cộng sản được Tây phương biết đến nhiều nhất, ông Phạm Xuân Ẩn, đã được ấn hành tại Mỹ”.
Giáo sư, nhà sử học Larry Berman tham vọng vén dần lớp sương mù huyền thoại và đưa ra nhiều luận giải cho những sự kiện đang gây tranh cãi xoay quanh cuộc đời của một điệp viên. Larry chia sẻ: “Trước khi viết cuốn sách này, tôi đã viết 4 cuốn sách khác về Việt Nam, nhưng tất cả đều là Việt Nam qua cái nhìn của người Mỹ. Khi bắt tay viết Điệp viên hoàn hảo cũng là lúc tôi bắt đầu nhìn đất nước các bạn qua con mắt của một người Việt Nam”. Ông là học giả đầu tiên của Mỹ viết về Phạm Xuân Ẩn.
Hai năm sau cuộc gặp với giáo sư Larry (2001), Phạm Xuân Ẩn mới đồng ý cho giáo sư người Mỹ này khai thác tư liệu về mình để viết tác phẩm này. Ông Ẩn cũng đưa ra điều kiện: “Nội dung sách chỉ được nói về những phần hoạt động đã được tôi cho phép và tôi sẽ đề nghị một số thành viên trong mạng lưới trước đây của tôi hợp tác với anh trong quá trình thu thập thông tin”.
Cuốn Điệp viên hoàn hảo của Larry Berman đang gây sự chú ý đặc biệt trên các giá sách viết về lịch sử Việt Nam. Xoay quanh cuộc đời nhà tình báo, nhà báo Phạm Xuân Ẩn, nhiều chân dung cách mạng khác được hiện ra với những cứ liệu rõ nét, nhiều tài liệu lịch sử thú vị được thể hiện khách quan và thấu đáo.
Bạn đọc trẻ Việt Nam sẽ hiểu hơn lịch sử đất nước qua hai cuốn sách tư liệu lịch sử giá trị này.
Nguyễn Vĩnh Nguyên
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn