Xem sách hay

Mãi Đừng Xa Tôi

Mua ở đâu?
Kazuco Ishiguro

Kazuco Ishiguro

Mãi Đừng Xa Tôi là câu chuyện mang tính khoa học giả tưởng, lấy bối cảnh nước Anh cuối thế kỷ 20.
Câu chuyện xoay quanh ngôi trường Hailsham. Trường Hailsham là một trường nội trú kỳ lạ nơi nuôi dạy những đứa trẻ vốn là bản sao vô tính. Số phận những đứa trẻ này đã được định đoạt: khi đến tuổi trưởng thành, họ sẽ hiến nội tạng cho những người bị bệnh; họ sẽ làm việc đó đến khi kiệt sức mà chết. Xã hội nhắm mắt làm ngơ, coi như không biết đến sự tồn tại của ngôi trường này.

” Tôi tên là Kathy H. Tôi ba mươi mốt tuổi, đã làm người chăm sóc được hơn mười một năm nay. Nói vậy nghe cũng đã đủ lâu rồi, tôi biết, nhưng thật ra người ta còn muốn tôi làm thêm tám tháng nữa, cho đến cuối năm nay. Chừng đó thì hầu như đúng mười hai năm cả thảy. Giờ thì tôi biết tôi là người chăm sóc lâu đến vậy chẳng nhất thiết bởi vì người ta cho rằng tôi làm việc ấy rất cừ. Có một số người chăm sóc thực sự giỏi nhưng nghe nói chỉ làm được hai, ba năm là người ta bảo phải thôi. Tôi lại còn biết ít nhất một người chăm sóc khác đã làm việc này suốt mười bốn năm trời dẫu hoàn toàn chẳng được tích sự gì. Thế nên tôi không có ý khoe khoang. Nhưng tôi biết rõ ràng người ta hài lòng về công việc tôi làm, mà nói chung bản thân tôi cũng hài lòng. Những người hiến mà tôi chăm sóc luôn luôn có tình trạng khả quan hơn nhiều so với người ta tưởng. Họ thường phục hồi nhanh đến độ ngoạn mục, và ít ai trong số họ được phân loại là “bị kích động” ngay cả cho đến trước lần hiến thứ tư. Phải có thể giờ thì tôi đang thực sự khoe khoang đây. Nhưng làm tốt công việc của mình, nhất là giữ cho những người hiến mà mình chăm sóc luôn luôn “bình thản”, điều đó có ý nghĩa với tôi lắm. Tôi đã dần dần phát triển được một thứ bản năng đối với những người hiến. Tôi biết khi nào cần ở bên họ và an ủi họ, khi nào cần để họ một mình. khi nào cần lắng nghe bất cứ điều gì họ muốn nói, còn khi nào chỉ cần nhún vai bảo họ ngủ một giấc cho quên chuyện đó đi.

Dù thế nào đi nữa, tôi không đòi hỏi gì nhiều cho bản thân. Tôi biết có những người chăm sóc hiện vẫn đang làm việc, họ cũng giỏi như tôi nhưng chẳng được đối xử tốt dù chỉ bằng một nửa tôi. Nếu bạn là một trong số họ, tôi có thể hiểu bạn hẳn sẽ phẫn uất lắm khi nhìn nào phòng khách kiêm phòng ngủ của tôi, nào xe hơi của tôi, và trên hết là cái kiểu tôi được tự do chọn lựa người mình chăm sóc. Tôi lại là học sinh của Hailsham, nội chuyện đó đôi khi cũng đủ khiến người ta nổi giận. Người ta bảo Kathy H. muốn chọn ai để chăm sóc thì chọn, mà chị ta thì luôn luôn chọn những người mình thích: những kẻ từ Hailsham ra, hoặc một trong những người từ các nơi danh giá khác. Thảo nào chị ta có thành tích cao đến vậy. Tôi nghe người ta nói thế nhiều rồi, thành thử chắc bạn còn được nghe nhiều hơn thế nữa, mà có lẽ trong đó cũng có phần đúng. Nhưng tôi không phải kẻ đầu tiên được quyền chọn người để chăm sóc, mà chắc hẳn cũng chẳng phải kẻ cuối cùng. Dù có thế nào, tôi vẫn chăm sóc chu đáo những người hiến dù họ được nuôi dạy ở nơi đâu. Trước khi tôi ngưng lời, hãy nhớ rằng tôi đã làm việc này mười hai năm, mà chỉ trong sáu năm gần đây người ta mới cho tôi cái quyền chọn người để chăm sóc…..”

Mời bạn đón đọc.


Mãi Đừng Xa Tôi

Mãi đừng xa tôi ra mắt độc giả Việt Nam

(Thứ Tư, 09/04/2008)
Đây là quyển tiểu thuyết đầy cảm động bởi thân phận của các nhân vật: những bản sao vô tính được tạo ra chỉ để hiến tạng. Câu chuyện về những con người không được làm Người đúng nghĩa đã được nhà văn Kazuo Ishiguro kể lại bằng một văn phong giản dị. Sự chăm chút từng chi tiết để khắc họa tính cách lẫn nỗi đau tâm hồn của các nhân vật đã làm cho Mãi đừng xa tôi để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả.

Vinh Nguyễn

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


Mãi Đừng Xa Tôi

Thế giới những “phó bản” người
(Thứ Năm, 01/05/2008)
Tác giả không đưa ra bất cứ một thông tin tiết lộ nào về sự phi thực của tác phẩm, thậm chí còn là một dòng khẳng định ngay sau đề từ:

Nước Anh, cuối thập niên 1990, kèm theo đó là một lối hành văn đầy tiết chế. Thế nhưng người đọc có thể nhận biết một không khí khác lạ nào đấy đang bao trùm lên những nhân vật chính, bối cảnh, đời sống sinh hoạt của họ… Một không khí gợi nhớ Jane Eyre, Đồi gió hú của chị em nhà Bronte xưa, trên gam màu chủ đạo lạnh lẽo, âm u, điểm lên vài hình bóng câm lặng, những ngày dài lê thê không thấy bóng dáng mặt trời và gió phương bắc hú dài qua những mỏm đá xanh, lạnh sắc địa y…

Đấy là một ngôi trường đặc biệt, với sự hiện diện của tôi, Ruth, Tommy và những… cái bóng khác. Trên đầu họ là những giám thị khắc nghiệt, quái đản, bao quanh họ là những bức tường cùng rừng cây âm u huyền bí, nơi bảng lảng một hồn ma con gái… Vẫn có những lúc họ được ra ngoài những bức tường ấy, một chuyến đi chơi, một buổi dã ngoại, nhưng dường như họ chẳng bao giờ nghĩ đến một cuộc đào thoát.

Họ được xuất hiện trong cuộc đời, ăn học, lớn lên, để cuối cùng phục vụ cho một mục đích phi lý mặc nhiên. Đấy là ngôi trường nội trú của những đứa trẻ sinh ra bằng phương pháp sinh sản vô tính. Và những “phó bản” người này được nuôi lớn, chờ đến ngày hiến tạng. Họ sống, kết bạn, yêu thương, bình thường như mỗi con người, và lặng lẽ chờ đến ngày bị cắt đi từng phần thân thể. Cắt một lần, hai lần, nếu chưa chết thì cắt đến ba lần cho tới ngày gục hẳn! Và nơi cuộc sống ngoài kia là những chính bản của họ.

Kazuo Ishiguro, tác giả, dường như hoàn toàn biến mất trên những trang viết. Ông để cho cái phi lý ấy trôi an nhiên, đối mặt với người đọc. Ông tạo ra một thế giới đầy quái gở rồi để cho những nhân vật tiến bước trong cái logic dễ sợ đó. Và độc giả phải đi tiếp cuộc đi nhức nhối của mình cho đến dòng cuối cùng.

Nước Anh của thập niên cuối cùng thế kỷ XX, nơi chú cừu Dolly nhân bản đầu tiên ra đời. Một bước tiến quá đà của khoa học kỹ thuật. Có thể liên tưởng đến anh hề Charlot xưa trong Thời đại tân kỳ, khi con người bị cưỡng đoạt bởi máy móc, nhân tính hoàn toàn biến mất dưới một sức mạnh quái gở vô hình. Mãi đừng xa tôi là một phiên bản đau lòng mới, cảnh báo cho một thế giới viễn tưởng.

Nguyễn Danh Lam

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


 
Mua ở đâu?