Mạch Sống Của Hương Ước Trong Làng Việt Trung Bộ (Dẫn Liệu Từ Làng Xã Ở Các Tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế):
Chúng ta có thể nói rằng: làng Việt là những cộng đồng định cư khá sớm trong lịch sử nhân loại. Loại hình kinh tế lúa nước đã gắn họ lại với đất đai, được xác lập trong những giới hạn nhất định. Đồng thời, đó cũng là những đơn vị cư trú truyền thống bền vững nhất trong quá khú, so với những tổ chức hành chính trên nó, khi nhà nước ra đời. Bộ máy chính quyền trung ương, cho đến chính phủ (tỉnh), huyện (quận), tổng, xã, nguồn, trạm, nguyên, sách, động, phường…. có thể bị biến dịch hay giải thể, trong khi đó, tổ chức làng luôn là những cộng đồng tuy khiêm tốn nhưng ổn định; lưu giữ một cách oanh liệt những giá trị văn hoá dân tộc trước mọi hiểm hoạ.
Mối tương tác trên nhiều lĩnh vực của đời sống văn hoá làng biểu hiện trên quan hệ của phe, giáp, xóm, ngõ, phường, hội, dòng họ, chi tộc, gia đình, láng giềng……. nhiều hơn là giữa làng này với làng khác, hay giữa làng với các tổ chức nằm trong thiết chế hành chính quốc gia. Nét riêng của hệ ứng xử cộng đồng trên phạm vi cư trú bền vững ấy, luôn hiện hữu và được điều tiết trong những hoàn cảnh sinh hoạt nhất định của đời sống, bên cạnh những truyền thống văn hoá dân tộc – quốc gia.
Từ những thập niên 1950, Robert Redfield đề cập trong công trình của mình khái niệm “The Little Community” (Cộng đồng nhỏ), không khỏi khiến tác giả chú ý: Con người, dân tộc, quốc gia, nền văn minh cũng như những dạng cấu trúc xã hội của nhân loại, mỗi mô hình như vậy, đều dễ dàng để nhận diện, nhưng, những cộng đồng nhỏ hơn thì lại khác; ấy thế mà cả thế giới và lịch sử nhân loại lại đều có sự góp phần của những cộng đồng nhỏ đó. Vì vậy, sự biết rõ hơn về những cộng đồng này là một điều rất quan trọng, là thành phần của những tổ chức lớn hơn, những cũng chính nó đã tạo nên những tổ chức ấy.
Tác giả đã tiếp cận ngôi làng Việt Nam nói chung và với vùng đất Bắc miền Trung nói riêng, một cách thận trọng hơn, trong cách nhìn về vị trí lẫn chất khái quát tiềm ẩn trong lòng một không gian khiêm tốn, hay chính xác hơn, là điểm cư trú của một cộng đồng nhỏ với bối cảnh cụ thể của nó….
Trên thực tế, khi người nghiên cứu tiếp cận với những ngôi làng ở Trung Bộ và để có trong tay những điều khoản cụ thể bằng văn bản, hoàn toàn không phải là điều dễ dàng. Người dân nơi đây có thể đánh đổi cả sinh mạng để giữ gìn tài liệu của làng trước các mối đe doạ thiên tai địch hoạ, nhưng thời gian và những biến cố diễn ra ngoài mọi sự tiên liệu, đã làm cho rất nhiều làng không còn, thậm chí không giữ lại được mảnh tư liệu thành văn nào. Tuy nhiên, sức sống và tính hiệu lực của nó vẫn như những dòng chảy ngầm, luân chuyển trong lòng người ở những mức độ khác nhau, để xã hội làng xã vẫn được vận hành một cách trật tự trong những nguyên tắc vô hình nhưng lại được thừa nhận một cách hữu hiệu, phổ biến đến mức mặc nhiên.
Mục lục:
Dẫn luận
Chương 1: Những nét đặc trưng của làng xã Bắc miền Trung
Chương 2: Hương ước trong đời sống cộng đồng
Chương 3: Số phận của hương ước cổ truyền trong làng Việt đương đại
Thay lời kết
Tài liệu tham khảo
Phụ lục
Mời bạn đón đọc.