… Từ đời Tần, mỗi lúc có một họ thống nhất Trung Hoa, họ ấy liền nghĩ đến việc chiếm các nước nhỏ chung quanh. Tần có Nhâm Hiêu, Triệu Đà; Hán có Lộ Bác Đức đều đã đạt mục đích là diệt họ đang cầm quyền ở đất Việt.
Sau, trong khoảng độc lập hoàn toàn trở lại ở nước ta, những cuộc xâm lăng bắt đầu từ đời Tống, dưới triều Tống Thái Tông, tướng Tống tưởng lấy nước ta dễ, đã khinh cử, nên thất bại hoàn toàn bởi tay Lê Hoàn.
Lần thứ hai, dưới triều Tống Thần Tông, thế vua Tống và tể tướng Vương An Thạch rất to, nên sự xuất quân được dự bị một cách cẩn thận và đầy đủ: quân hơn mười vạn, sửa soạn một năm, tướng tá tinh nhuệ, kế hoạch định rõ từng chi tiết.
Đáng lẽ nước ta lúc ấy bị đổi thành châu quận của Tống. May! đương thời, có một vĩ nhân cầm quyền, có đủ óc chính trị, biết kết thúc nhân tâm, có cao tài lợi dụng thời cơ, có kinh nghiệm điều binh, khiển tướng.
Bậc ấy là Lý Thường Kiệt.
Bằng một trận tấn công chớp nhoáng, Thường Kiệt phá các căn cứ địch, trước khi Tống khởi việc động binh; rồi rút về, cương quyết cố thủ trên sông, ngăn cản xâm lăng xuống đồng bằng. Khí hậu nóng, làm chướng độc, địa thế hiểm, thêm vào sự bất lực của tướng Tống, sự bất hòa giữa các kẻ cầm quyền chung quanh Tống Thần Tông, đã khiến cho trận tấn công vĩ đại của Tống đã phải ngừng trước cửa Thăng Long, gần nơi lăng tẩm nhà Lý và trước cánh đồng phì nhiêu ở trung nguyên nước ta.
Thường Kiệt hiểu thời cơ, chịu tạm nhường về thể diện, khiến Tống lui quân và ta bảo toàn binh lực. Sau đó, Thường Kiệt biết dùng ngoại giao dựa vào binh lực ấy làm hậu thuẫn, mà đòi được đất đã mất. Cuối cùng không những Tống không dám dòm ngó cõi ta, mà bắc thùy nước Việt lại được khuếch trương và củng cố.
Đó là một kỳ công của Lý Thường Kiệt…
Viết tại Hà Nội tháng 5 năm Kỷ Sửu
(1949)
Hoàng Xuân Hãn
Mời bạn đón đọc.