Mệt lắm rồi để cho tâm hóng mát thôi.
Tổn thương rồi để cho mộng được thức tỉnh.
Đau đớn rồi để cho đôi chân được dừng nghỉ.
Cả cuộc đời,
giống như đạo tràng để tu tập,
ngắn thì như đi du lịch,
còn dài là cả cuộc đời.
Khi mặt trời mọc,
phải làm cho mỗi ngày tâm hồn vui vẻ
và có ý nghĩa,
không vì người khác, chỉ vì chính mình.
…
Tháng năm âm thầm,
hãy yêu thương những gì bạn yêu thương;
Thời gian vội vã không quay trở lại.
Làm một con người bình yên, tĩnh lặng,
làm một con người lương thiện, an lành,
làm một con người luôn nở nụ cười,
làm một con người luôn đem hạnh phúc
đến tâm hồn mọi người.
(Trích từ bài “Mệt lắm rồi cho tâm hóng mát thôi”)
—————-
“Ngày cuối năm 2018 tôi và thầy Vạn Lợi cùng từ Hà Nội về chùa Cổ Am, thành phố Hưng Yên. Một chuyến đi quá đặc biệt. Trên xe chúng tôi nói chuyện như những người bạn tâm giao. Chuyện chỉ xoay quanh việc tu tập và hoằng pháp mà thôi.
Chúng tôi về đến chùa Cổ Am và được thầy Hạnh Bình tiếp rất nồng hậu và ân tình. Tôi vô cùng ấn tượng về ngôi chùa này. Có một cái gì đó rất sâu lắng và trầm mặc. Lại có gì đó rất gần gũi mà linh thiêng. Không biết nữa. Rất khó diễn tả thành lời. Cũng ngày cuối tuần đó, tôi và thầy Vạn Lợi tham gia vào chương trình phát cháo tặng cho các bệnh nhân của bệnh viên Nhi sản Hưng Yên. Những trải nghiệm khó quên và đặc biệt đến mức tôi ngay tối đó, dù khá mệt, tôi vẫn viết một bài về công việc từ thiện đầy năng lượng và yêu thương này gửi đăng báo.
Thầy Vạn Lợi rất giỏi tiếng Hán và là nhà nghiên cứu chuyên sâu. Thầy là giảng viên của học viện Phật giáo Việt Nam tại Sóc Sơn và của viện Trần Nhân Tông. Tôi vẫn nhớ rằng chúng tôi rất tâm đầu ý hợp và bàn rất nhiều chuyện ngay tại núi thiêng Yên Tử trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế “Trần Nhân Tông và Phật Giáo Trúc Lâm – Đặc sắc tư tưởng văn hóa” nhân kỷ niệm 760 năm đản sinh và 710 năm nhập Niết bàn Sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông. Cả hai thầy trò muốn làm những gì thật ý nghĩa cho Phật giáo nước nhà.
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế này và trong hai ngày ở Yên Tứ, tôi bàn với thầy Vạn Lợi về ý tưởng xuất khẩu văn hóa Phật giáo nhất là thiền mà mình ấp ủ bao năm nay. Chúng tôi cùng rất tâm đắc và muốn mang văn hóa Phật giáo trong đó có tư tưởng văn hóa Trần Nhân Tông ra với thế giới. Những tư tưởng lớn gặp nhau ngay tại đất thiêng Yên Tử đúng dịp đặc biệt.
Bạn biết không, nhân duyên ra mắt cuốn sách “Lối vào tâm hồn, tặng người hữu duyên” mà bạn đang có trên tay cũng rất đặc biệt. Trên xe trong chuyến về chùa Cổ Am, tôi chính thức đặt vấn đề mời thầy Vạn Lợi viết sách. Bởi nếu thầy không để chúng tôi xuất bản kho kiến thức và trải nghiệm của thầy thì quả là lãng phí. Thầy nhận lời và chúng tôi thống nhất sẽ ra sách trước năm mới Kỷ Hợi 2019.
Thế rồi bản thảo đã đến tay tôi trước cả thời hạn. Tôi đọc ngay. Tôi thích quá. Rất ý nghĩa và không thể chần chừ được nữa. Phải xuất bản sớm nhất có thể. Bởi mỗi câu chữ ở đây đều rất đáng đọc. Tôi nghĩ ngay đến cả chuyện cần thu âm để phát hành rộng rãi hơn. Bạn đã có sách “Lối vào tâm hồn, tặng người hữu duyên” trên tay, tức duyên lành với tôi và thầy Vạn Lợi đã có. Việc của bạn là đọc. Đọc chậm thôi nhé. Đọc làm sao để cảm nhận hết và suy ngẫm được thấu đáo. Chúc bạn bình an và luôn mãi bình an!”
Chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Thái Hà Books về cuốn sách “Lối vào tâm hồn, tặng người hữu duyên.“
Mời bạn đón đọc.