Trong 15 bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, Lộc Đỉnh Ký là tác phẩm mang nhiều biệt sắc nhất. Trực tiếp phản ánh đời sống xã hội với các mâu thuẩn chính trị – văn hóa ở Trung Quốc cuối thế kỷ XVII, khi nhà Thanh của người Mãn Châu đang từng bước Hán hóa để rồi trở thành một vương triều chính thức của quốc gia phong kiến Trung Hoa. Tác phẩm này là một bộ tiểu thuyết võ hiệp dã sử độc đáo trên cả hai phương diện nội dung và thi pháp. Bởi vì khác với nhiều tiểu thuyết võ hiệp, Lộc Đỉnh Ký không phản ảnh cuộc sống của các nhân vật võ lâm với các mâu thuẩn cá nhân hay phe phái giữa họ mà là phản ảnh đời sống xã hội Trung Hoa đầu thời Thanh với các mâu thuẫn chính trị – văn hóa có thật của lịch sử, và cũng khác với nhiều tiểu thuyết võ hiệp, các mâu thuẫn chủ yếu trong Lộc Đỉnh Ký lại được giải quyết với sự tham gia không phải của các hiệp khách võ công cao cường, nhân tâm hiệp cốt mà là của một nhân vật vừa không võ vừa ít hiệp là Vi Tiểu Bảo, một nhân vật mà lai lịch và hành trạng, số phận và tính cách đã phá tung các khuôn mẫu cố hữu của tiểu thuyết võ hiệp thông thường. Có thể nói qua Lộc Đỉnh Ký, Kim Dung đã khơi lên nhiều vấn đề của một thế giới hiện đại trong đó các yếu tố thiện ác chính tà không ngừng đan xen vào nhau để phát triển và chuyển hóa, đồng thời cũng góp phần đẩy tiểu thuyết võ hiệp phát triển thêm một bước trên con đường phản ảnh thế giới và nhân sinh.