Không chỉ ở Trung Hoa đại lục mà cả ở Đài Loan, Hồng Kông và xa hơn ở Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nơi trên các châu lục… Lỗ Tấn được xem là nhân vật khổng lồ của văn hóa Trung Hoa hiện đại.
Từ sau khi tham gia hội nghị nghiên cứu Lỗ Tấn ở Hàn Quốc nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lỗ Tấn, giáo sư Vương Phú Nhân đã liên tục có các bài viết khảo sát, đánh giá việc nghiên cứu Lỗ Tấn ở Trung Quốc từ trước đến nay. Tất cả các bài viết về 17 trường phái nghiên cứu Lỗ Tấn trong vòng 70 năm – tính từ truyện ngắn đầu tiên có tranh luận của Lỗ Tấn là Hoài Cựu (1911) cho đến thời Phục hưng Lỗ Tấn sau Cách mạng văn hóa. Chung quy, điều mà nhà Lỗ Tấn học – giáo sư tiến sĩ Vương Phú Nhân giành nhiều tâm huyết trong cuốn sách: Lỗ Tấn – Lịch Sử Nghiên Cứu Và Hiện Trạng, là phê phán khuynh hướng chính trị hóa việc nghiên cứu Lỗ Tấn. Khuynh hướng này nổi bật nhất ở việc dựa vào tư tưởng Mao Trạch Đông để tìm hiểu Lỗ Tấn, lấy Lỗ Tấn và tác phẩm của ông để minh họa cho tư tưởng văn nghệ Mao Trạch Đông mà không xuất phát từ tư tưởng nghệ thuật và tác phẩm nghệ thuật của chính nhà văn. Khuynh hướng này còn né tránh những vấn đề phức tạp và tế nhị vốn có của văn học nghệ thuật, quy văn học nghệ thuật về các khuynh hướng chính trị đơn giản. mãi đến sau khi khắc phục tai họa của Cách mạng văn hóa, khẩu hiệu "Hãy trở về với chính Lỗ Tấn" đã được giương lên, địa vị và ý nghĩa đích thực của Lỗ Tấn mới được Phục hưng.
Cuốn sách được đánh giá cao và được giới thiệu giao lưu với nước ngoài. Xin trân trọng giới thiệu.