Liêu Trai Chí Dị – Trọn Bộ:
“Liêu Trai Chí Dị ” bộ đoản thiên tiểu thuyết nổi tiếng nhất trong văn học đời Thanh, là tác phẩm của Bồ Tùng linh (1640-1715), tự Lưu Tiên, hiệu Liễu Tuyền, người huyện Tri Xuyên (nay là Tri Bắcm thuộc tỉnh Sơn Đông), Trung Quốc. Sách gồm 16 truyện, cộng 431 truyện mà đa số là chuyện thần tiên, ma quỷ, yêu hồ, một phần do truyện cũ còn lưu truyền, một phần là sản phẩm của trí tưởng tượng ly kỳ của tác giả.
“Ông tổ người anh rễ tôi, họ Tống, huý là Đạo, là học trò được học bổng của ấp (huyện). Một hôm nằm bệnh, thấy một viên nha lại, cầm tờ trát, dắt một con ngựa đầu đốm trắng đến bảo:
– Mời ngài đi thi.
Ông hỏi:
– Quan học sứ chưa tới, sao đã được thi?
Người lại không đáp, chỉ giục đi ngay. Ông phải gượng ốm, cưỡi ngựa đi theo.
Đường đi thấy mới lạ. Đến một chốn thành quách như của đấng vương giả. Vào trong thành, tới một chỗ cung điện tráng lệ, thấy ngồi trên có chừng mười mấy ông quan, không rõ là ai, duy có đức Quan Đế là có thể nhận biết. Dưới thềm kê hai bộ bàn ghế, một vị tú tài đã ngồi sẵn, ông bèn ngồi ghé bên. Trên bàn đã bày sẵn giấy bút.
Một lát, đầu bài đưa xuống. Nhìn xem, có tám chữ rằng: một người, hai người, có lòng, không lòng. Hai ông làm bài xong, đưa trình lên điện.
Bài của Tống công có câu: Hữu tâm làm điều thiện, dẫu thiện chẳng khen. Vô tâm làm ác, dẫu ác chẳng phạt.
Các quan cùng truyền tay nhau xem, khen mãi chẳng thôi. Rồi, gọi ông lên bảo rằng:
– Hà Nam hiện khuyết một viên thành hoàng; anh xứng chức ấy.
Ông chợt hiểu, sụp lạy, khóc rằng:
– Lạm được các quan có lòng yêu, đâu dám từ chối? Chỉ vì mẹ già bảy chục tuổi không người phụng dưỡng, xin cho được hết tuổi thọ của mẹ, sẽ nghe theo lời lục dụng.
Một vị mũ áo ra bậc đế vương ngồi trên, liền truyền xem số thọ của người mẹ Tống công. Một viên nha lại râu dài, bưng sách đệ lên, giở qua một lượt, tâu rằng:
– Còn chín năm trên dương gian.
Mọi người còn dùng dằng chưa quyết, thì đức Quan Đế nói:
– Cứ cho Trương sinh thế đỡ chín năm, cũng chẳng hại, sau này sẽ lại đổi bổ.
Quay qua bảo Tống công:
– Lẽ ra, anh phải nhận chức đi ngay; nhưng xét vì lòng nhân hiếu, cho nghỉ chín năm; đến kỳ hẹn, sẽ có lệnh gọi sau.
Rồi lại khuyên gắng ông tú tài mấy câu.
Hai người cùng quay lại, lui xuống.
Tống công cưỡi ngựa, từ biệt mà đi. Lúc đến làng, như bừng tỉnh giấc mộng. Khi ấy, chết đã ba ngày. Bà mẹ nghe trong quan tài có tiếng rên, đờ ra; nửa ngày sau mới nói được.
Cho người sang hỏi bên Trường Sơn, quả có Trương sinh chết ngày hôm đó.
Về sau, được chín năm, bà mẹ mất. Việc ma chay đã xong, ông tắm gội sạch sẽ, vào trong nhà nằm mà chết.
Nhà vợ ông ở cửa Tây trong thành, bỗng thấy ông mũ áo, cân đai, xe ngựa, quân hầu đông đảo lên nhà chào, xin đi. Mọi người cùng nhau kinh ngạc, đâu biết ông đã là thần. chạy vào hỏi trong làng, mới hay ông đã chết.”.
Mời bạn đón đọc.