Một thập niên về trước, khi chiến tranh lạnh vừa kết thúc, nhiều người cho rằng ASEAN sẽ trở nên tẻ nhạt, kém phần quan trọng trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Thế nhưng, trên thực tế ASEAN tỏ ra uyển chuyển và thích ứng cao, đưa ra nhiều sáng kiến mới thúc đẩy hội nhập kinh tế và thống nhất khu vực. Bước vào thế kỷ XXI, vấn để tương tự lại nổi lên : ASEAN sẽ đi về đâu, sẽ tiến triển theo hướng nào trước sức ép của toàn cầu hoá? Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu A nổ ra từ năm 1997 – như một hiện tượng mới của toàn cầu hoá, tuy có làm phai đi ánh hào quang hay điều thần kỳ của tăng trưởng kinh tế, gây ra bất ổn định chính trị nội bộ ở một số nước ASEAN và tác động tiêu cực đến thực thi các chương trình hợp tác và liên kết khu vực, nhưng ASEAN tỏ ra bình tĩnh, đang từng bước vượt qua khó khăn để tiến về phía trước. Vậy yếu tố nào giúp ASEAN trở thành một thực thể kinh tế – chính trị tương đối thống nhất, một trung tâm quyền lực mới ở khu vực châu A – Thái Bình Dương thích nghi cao, và điều gì là những trở ngại, thách thức trên con đường xây dựng Hiệp hội.
Để góp phần lý giải những thành công, cơ hội và thách thức của ASEAN trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh quốc tế của thời hậu chiến tranh lạnh; đồng thời đưa ra một số dự báo về xu hướng tiến triển của tổ chức này những năm đầu của thế kỷ XXI, chúng tôi trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuốn sách Liên kết ASEAN trong bối cảnh toàn cầu hoá…