K. đến nơi vào một tối muộn. Nhưng kỳ thực anh chưa đến nơi. Bởi ngôi làng chìm trong tuyết dày chỉ là nơi K. cần đi qua, để tới tòa Lâu đài nằm khuất dạng trên ngọn núi phía trước, bị bóng tối và sương mù vây bủa. Nơi đây, trong trò chơi tung hứng của thứ quyền lực hành chính mà ngài Klamm hư ảo kia là đại diện, K. khác nào diễn viên của một vở kịch siêu thực, quay cuồng giữa những mồi nhử, như con thú đói khát không khi nào chạm nổi vào thức ăn…
Xảy ra vỏn vẹn trong 6 ngày, mà đằng đẵng bằng vạn kiếp con người, câu chuyện của K. tan hẫng, dang dở không kết thúc, dìm toàn bộ cái sân khấu yêu đương, tranh đấu, nỗ lực, bất lực, náo hoạt nhưng dường như câm lặng của lũ rối đang trình diễn vào đầm lầy tư tưởng…
Tiểu thuyết Lâu Đài – được Franz Kafka sáng tạo nên rồi phán quyết phải thiêu hủy – là viên ngọc bí ẩn nhất và đẹp nhất trong những tác phẩm lớn còn lại của Kafka. Huyền hoặc như một giấc mơ phi lý nhưng tột cùng chân thực, đó là những dòng sấm truyền mở đầu cho một thế kỷ 20 đầy đại họa mãi lâu sau thế giới mới biết đến, là tác phẩm lạc chân vào thì dễ mà khó lòng nắm bắt. Nhờ người kế thừa Max Brod không nỡ ném vào lửa, cùng với những di sản quý giá khác của Kafka, LÂU ĐÀI đã vĩnh viễn đặt ông lên đỉnh cao thiên tài bất tử của nền văn học thế giới.
“Để nêu danh một nhà văn đã đặt dấu ấn sâu đậm lên thời đại của chúng ta không kém gì Dante, Shakespeare hay Goethe, thì với các thế hệ đương thời, đó nhất định là Kafka.” – W.H.AUDEN
Mời bạn đón đọc.