Kitchen (Tiểu thuyết) của tác giả Banana Yoshimoto là chuyện về một cô gái yêu bếp. Bếp là sự phản chiếu của con mèo đi tìm hơi ấm trong cô, là tiểu vũ trụ của một cô gái đô thị Nhật Bản đang buồn rầu, cô độc. Rồi trong căn bếp nơi một gia đình nọ, có một chàng trai và một người mẹ do người cha cải giới thành, cô tìm ra vẻ đẹp tâm hồn và sự ấm áp trong cuộc sống con người. Khi cô rời xa họ, bà mẹ mà cô đem lòng thương mến bất ngờ bị cái chết mang đi. Trong nỗi đau đớn, sự đồng điệu với người con trai càng trở nên sâu sắc… Và câu chuyện đơn giản và đơn tuyến đó, rút cục lại có thể khiến người ta cảm động một cách cổ điển nhất, làm rơi đi cái vỏ của văn hóa đại chúng, với những tính chất như “phá cách”, “siêu thực”, “manga”, “giải trí”… vẫn thường xuyên được gán cho thế giới của nhà văn này.
Mikage Sakurai sau cái chết của bà, hoàn toàn lẻ loi và chỉ biết yêu bếp hơn hết thảy mọi thứ trên đời. Cho tới ngày, một chàng trai tên là Yuchi Tanabe mời cô đến sống cùng hai mẹ con cậu trong căn hộ của họ, nơi có căn bếp tuyệt vời ấm áp cùng hai con người không là gì ngoài một sự đồng cảm bình dị và sâu xa mà cô vẫn hằng mong ước. Rồi cái chết lạnh lùng bất ngờ cướp mất đi người mẹ lạ kỳ của Yuchi. Trong nỗi đau, sự quyến luyến trở nên mãnh liệt, tình yêu bắt đầu chớm nở giữa hai con người trẻ tuổi… Và đó chính là Kitchen của Banana Yoshimoto, buồn bã nhưng chối từ bí luỵ, giản dị nhưng đầy nghệ thuật, là nơi hoà kết nỗi ưu tư mẫn cảm đặc biệt Nhật Bản với niềm vui sống của tuổi trẻ một cách thanh thoát nhất. Một áng văn ngọt ngào trong hình thức một besr-seller đã làm nên tên tuổi của Banana Yoshimoto trên khắp Nhật Bản và thế giới.
Banana Yoshimoto có lẽ là một cái tên ít nhiều còn xa lạ với độc giả Việt Nam, tuy rằng đã gần hai mươi năm nay, cô gái viết văn này đã tạo nên một cơn sốt gọi là “Banana ghenso” (hiện tượng Banana) giữa những người yêu thích thứ văn chương nghiêng về nội tâm của cô, và có lẽ, đã vượt qua được cái nhất thời của một cây bút trẻ và thời thượng bởi những phẩm chất có thực về văn chương và tinh thần, trở thành một tiếng nói vô cùng hấp dẫn của văn học Nhật. Cùng với những tên tuổi như Haruki Murakami và Ryu Murakami… Banana Yoshimoto, với một lối biểu cảm đơn giản, hiện đại, trong đó cuộc sống cân bằng của cá nhân là một trong những chủ đề xuyên suốt nhất, đã thực sự góp phần thay đổi bộ mặt của văn học Nhật Bản hiện đại.
“Còn lại tôi và bếp. Dẫu sao như thế vẫn còn hơn nghĩ rằng chỉ còn lại một mình”.
Banana Yoshimoto được biết đến đầu tiên, chính là nhờ thiên truyện Kitchen này. Tác phẩm ra đời năm 1987, gắn liền với tên tuổi của cô như một dấu son trên văn nghiệp.
Nếu Kitchen làm được điều gì đó, là vì nó cũng không hề thiếu những nền tảng suy tư. Đó là một tác phẩm đã khơi nguồn cho một hình mẫu nhân vật sẽ được trở đi trở lại trong sáng tác của Banana – những con người phải luôn bước đi giữa nỗi buồn lặng lẽ bởi cô đơn, cảm thức về cái chết, những câu hỏi siêu hình nhỏ chốc chốc dội lại và ở phía bên kia, trong sự đối trọng, là niềm vui, sự say mê tìm lại được trong cuộc sống tỉ mỉ đời thường, trong mỗi dáng vẻ được nâng niu và cảm thông của những người xung quanh, là vẻ đẹp và tình yêu đủ để xua đi những dự cảm mơ hồ, u ám.
Trong một thứ văn xuôi đã tiến gần đến thơ, tiết độ và gọt giũa, tác phẩm của Banana Yoshimoto gợi ra cái không khí vừa thuần khiết vừa u hoài của tâm trạng, trên ranh giới mong manh của những gì được nói ra một cách tằn tiện và những gì được giữ lại kìm nén trong tâm tư thầm kín của nhân vật. Nhưng rồi cũng vậy, văn của Banana Yoshimoto đã khác xa thứ văn chương truyền thống của đất nước cô, buồn rầu mà không khắc kỷ, nhẹ nhõm chứ không chất chứa lý tưởng. Nhân vật của cô, ngay từ ban đầu, đã chẳng mang vác bất cứ gánh nặng lý tính nào, chẳng có chút tham vọng về sự nhập cuộc xã hội, lý tưởng nào ngoài cuộc sống riêng tư và đời thường của cá nhân. Họ chỉ cư ngụ trong cái vòng nhỏ của gia đình, bè bạn, một vài người quen, trong cái ốc đảo nội tâm của riêng họ. Và nhà văn, trong cái không gian bé nhỏ đó đã làm nổi bật lên cách thế tồn tại của họ, ngọn lửa hâm nóng trái tim họ, khi sinh lực, tuổi trẻ, sự cảm thông giữa người với người đã trở thành câu chuyện quan trọng nhất.
“Tình yêu, cái chết, nỗi đau và sự hồi phục dần của ý chí sống vẫn là những chủ đề chính trong thế giới tiểu thuyết. Những chủ đề đó đã có được một sự thể hiện tươi mát đáng say mê trong Kietchen… một tác phẩm khiêm nhường, đẹp đẽ.”
(New York Newsday)
Banana Yoshimoto, một trong những gương mặt nổi bật nhất của văn học Nhật Bản đương đại, thường được so sánh cùng Haruki Murakami và Ryu Murakami. Năm 1987, Kitchen ra đời, bắt đầu đưa cái tên Banana lên thành một cao trào trongh giới thanh niên Nhật và độc giả quốc tế. Là tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn, đã được tái bản trên sáu mươi lần tại Nhật Bản, giành các giải thưởng: Kaien Newcomer Write Prize,…
Mời bạn đón đọc.