Thời Vạn Lịch (1573 – 1620) triều Minh (Trung Quốc), vào năm 1610 tại Tô Châu xuất hiện bộ tiểu thuyết chương hồi dài Kim Bình Mai đã làm cho nhiều người xôn xao bàn luận. Kim Bình Mai là tên gọi ba cô gái: Phan Kim Liên, Lý Bình Nhi và Bàng Xuân Mai. Lâu nay cũng có người gọi tác phẩm là: Ba cô gái đẹp trầm luân trong bể ái. Giữa lúc vườn hoa tiểu thuyết nở rộ, biết bao văn nhân đã lấy đề tài từ chuyện kể dân gian, diễn nghĩa lịch sử, các triều đại với biết bao giai nhân tài tử, đế vương, khanh tướng, Kim Bình Mai ra đời đánh dấu một bước ngoặt mới trong lịch sử tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, vì nó là bộ tiểu thuyết dài đầu tiên do văn nhân độc lập sáng tạo.
Kim Bình Mai được các nhà nghiên cứu Trung Quốc và thế giới đặt vào vị trí Tứ Đại Kỳ Thư cùng với Tam quốc diễn nghĩa, Thủy Hử toàn truyện và Hồng Lâu Mộng Kim Bình Mai là câu chuyện tình ái, nhưng cũng là câu chuyện nhân tình thế thái của một xã hội.
Từ năm 1969, Kim Bình Mai đã được dịch và in ở Sài Gòn do Nhà xuất bản Châu Dương ấn hành. Năm 1989, dựa vào bản dịch này có sửa chữa chút ít và viết lời giới thiệu, tác phẩm được Nhà xuất bản Khoa học Xã hội cho in làm 2 loại: loại 8 tập phát hành ở miền Bắc và loại 4 tập phát hành ở miền Nam. Nói chung các bản dịch trên theo sát từng chi tiết của nguyên bản nên khá rườm rà và có nhiều chỗ không cần thiết. Bản dịch lần này của Hải Đăng, Ngọc Quang và Mạnh Linh do Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin ấn hành đã lược bớt nhiều chỗ không cần thiết và đã làm nổi bật cốt truyện và nhân vật hơn. Tuy chưa phải là bản dịch hay nhất song đã là bản dịch gọn nhất. Bản dịch này vừa đảm bảo nội dung vừa có hành văn sáng sủa, mạch lạc.
Mời bạn đón đọc.