Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cần phải kiểm soát chi tiêu (hay còn gọi là chi phí) để chúng ta có tiền chi tiêu và dành dụm. Các doanh nghiệp cũng cần kiểm soát chi phí để thu lợi và tái đầu tư cho tương lai. Các tổ chức kinh doanh đều phải cạnh tranh để tồn tại, vì vậy kiểm soát chi phí là hoạt động cần thiết. Để tồn tại trong cạnh tranh, các doanh nghiệp cần phải quản lý chi phí một cách có hiệu quả.
Chúng ta cần phân biệt giữa kiểm soát chi phí và giảm chi phí. Giảm chi phí thường được xem là một chương trình hành động cụ thể nhằm làm giảm mức độ chi tiêu hiện tại của doanh nghiệp. Các chương trình giảm chi phí có thể đưa đến các kết quả: thay đổi phương pháp làm việc, sử dụng nguồn nguyên liệu mới, hay sử dụng ít nhân viên hơn.
Kiểm soát chi phí là một chức năng quản lý có ý thức chứ không phải là một chương trình cụ thể. Nó mang tính liên tục và đều đặn. Kiểm soát chi phí hiển nhiên phải là một phần công việc của bạn chứ không đơn thuần chỉ là mối quan tâm của các nhân viên kế toán hay các cấp quản lý vì chính bạn và nhân viên của bạn cũng góp phần hình thành chi phí cuối cùng cho bất kỳ sản phẩm hay dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Do đó, việc bạn chủ động quan tâm đến kiểm soát chi phí là rất quan trọng.
Trong cuốn sách này, bạn sẽ tìm hiểu cách kiểm soát và quản lý chi phí. Từ đó, bạn có thể cùng với các nhân viên của mình đề ra các biện pháp để sử dụng chi phí có hiệu quả hơn.
Chúng ta sẽ nghiên cứu ví dụ của nhiều doanh nghiệp khác nhau xuyên suốt cuốn sách. Một số doanh nghiệp có thể có hoặc không có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh hiện nay của bạn nhưng các nguyên tắc nêu ra vẫn sẽ phù hợp với các hoạt động hiện tại của doanh nghiệp bạn. Các phương pháp xác định chi phí mang tính ứng dụng, cho nên bạn chỉ áp dụng chúng khi phù hợp và không nên áp dụng khi chúng quá tốn kém hoặc mang lại lợi ích không đáng kể.
Khi đọc xong cuốn sách này bạn sẽ có khả năng làm tốt hơn việc:
– Phân biệt các loại chi phí khác nhau
– Giải thích cách xác định chi phí mục tiêu để kiểm soát chi phí trong doanh nghiệp
– Phân tích biến động chi phí
– Mô tả cách thức phân bổ chi phí theo các trung tâm quản lý chi phí
– Mô tả cách thức làm tăng cường ý thức tiết kiệm chi phí của nhân viên.
Mời bạn đón đọc.