Kịch Bản Phim Truyện – Lời Hẹn Của Mùa Thu, Con Dại Của Đá, Biển Cứu Rỗi:
“Võ thị Hảo là tác giả nổi tiếng những năm gần đây. Chị đã viết nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết độc đáo, đậm tính nhân văn. Năm 1999, chị viết một loạt bài báo về điện ảnh Việt Nam với những nhận định về các vấn đề cốt lõi của điện ảnh Việt nam khi đó như kịch bản, đạo diễn, đầu tư, xã hội hóa điện ảnh… là cụ thể và xác thực. Và ở mỗi vấn đề nêu ra tác giả đều có những kiến giải thuyết phục. Những vấn đề mà cho đến nay điện ảnh Việt Nam vẫn còn phải đối mặt và đang dần từng bước tháo gỡ. Nhưng nhiều anh em trong ngành điện ảnh đọc những bài báo lúc đó có chung nhận xét: Nói đúng. Nhưng nói thì dễ. Làm thì khó!
Và thật bất ngờ, Võ Thị Hảo không chỉ nói về điện ảnh với thái độ thẳng thắn, đầy trách nhiệm mà chị còn làm. Chúng ta có tập kịch bản này trên
Thường khi một nhà văn viết kịch bản phim, giới điện ảnh chúng tôi vẫn có đôi chút e ngại. Ý tưởng có thể hay, nhân vật có tính cách số phận…. nhưng nhiều khi vẫn chỉ là một câu chuyện văn học, để đọc, chứ chưa phải là ngôn ngữ của kịch bản điện ảnh, chưa phải “nguyên liệu tinh để làm phim” (theo cách nói của nhà biên kịch Richard Walter, giáo sư Trưởng khoa nghệ thuật viết kịch bản điện ảnh và truyền hình của Đại học California Mỹ )…. Khi nhận một kịch bản như thế, người đạo diễn thường ngồi viết lại, chuyển các chất liệu văn học đó sang ngôn ngữ điện ảnh. Sẽ có những thay đổi, những sai khác. Đôi khi khiến nhà văn nổi giận. Kể cũng không quá lời khi nói giữa tác giả kịch bản và người đạo diễn thường có những “cuộc hôn nhân gượng ép”
Thế nhưng Con dại của đá, Mua thu kiếp sau, Biển cứu rỗi thì không phải vậy.
Đây là lần đầu tiên tôi được đọc kịch bản của một nhà văn Việt Nam viết rất có nghề (điện ảnh), độc đáo cả về chủ đề, câu chuyện, bối cảnh, cấu trúc và nhân vật. Ngôn ngữ điện ảnh nhuần nhuyễn với những chi tiết hiển thị đắt giá. Đặc biệt, ba kịch bản đều mênh mang không khí tâm linh huyền bí rất quyến rũ, rất văn chương – như nét riêng biệt trong các tác phẩm văn học của nhà văn Võ Thị Hảo. Cả ba kịch bản đều khai thác bối cảnh và những phong tục tập tục dân dã khác lạ, hấp dẫn của mỗi vùng miền đất nước.
Xuyên suốt là thân phận người phụ nữ Việt Nam qua mỗi thời kỳ. Những người đàn bà vượt qua mọi nỗi bầm dập trầm luân cuộc đời, dám sống dám yêu và khi cần dám chết để bảo vệ tình yêu của mình. Cao hơn thế, bảo vệ tự do, bảo vệ phẩm cách làm người… nỗi khác vọng sâu thẳm muôn đời của mỗi kiếp nhân sinh” (Trích lời
NSND Đạo diễn điện ảnh Huy Thành).
Mời bạn đón đọc.