Xem sách hay

Không Và Sắc

Mua ở đâu?
Bùi Anh Tấn

Bùi Anh Tấn

Không Và Sắc:

Mới nghe cái tên Không và Sắc, thoạt đầu, chúng ta cảm giác đây là một tiểu thuyết huyền ảo, đầy hư – thực và sẽ khó đọc. Tuy nhiên, sự thật không phải như thế, bởi Không và Sắc là một tiểu thuyết có nét duyên rất riêng và khá hấp dẫn. Sức lôi cuốn của nó chính là những cảm xúc tự nhiên, chân thật rất con người, rất đời, pha lẫn với màu sắc huyền thoại về những con người đang nỗ lực đem ánh sáng hoà vào cát bụi, làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn, nhiều ý nghĩa hơn. Bên cạnh đó, chúng ta có thể tiếp xúc với những giáo lý Phật giáo bằng ngôn ngữ văn học….

Vốn sống phong phú, nhận thức, tư duy Phật học khá cơ bản, cộng với bản lĩnh của một tâm hồn văn chương nhạy cảm và một niềm tin tha thiết vào con người, tác giả đã đi từ cái khó nắm bắt trở về với những điều gần gũi, thân quen. Để tránh khỏi lối viết theo kiểu hoà âm một cách đơn điệu về Phật giáo, tác giả xây dựng thành công rất nhiều nhân vật: một Trưởng lão Chân Tâm hành động kì quặc, nói năng vu vơ một cách rất kì diệu, một Thượng toạ Thiện Luật có vẻ lạnh lùng nhưng mau nước mắt, một Sa di Thiện Tuệ nỗ lực tu hành đến mức hoá điên, một Thiện Tài mong được xuất gia cống hiến cả cuộc đời mình cho Phật Pháp nhưng vẫn không vượt ra ngoài những khát khao nhục cảm mãnh liệt, một Tiểu Vân Tử không rõ là nam hay nữ….

Lợi thế của Không và Sắc chính là không thể nói hết, không thể giải quyết hết mọi vấn đề. Vì thế, có những điều nửa muốn thổ lộ, nửa muốn giữ riêng cho mình, có nhiều điều nói chưa hết, chưa thoả. Điều này tạo ra sức gợi và sự liên tưởng, không buộc người ta tin nhưng cần người ta hiểu. Cũng vì thế, tác phẩm thể hiện sự đan cài những yếu tố tâm lý muốn vươn lên, thoát ra nhưng cũng không ngần ngại khi bị buộc ràng. Như vậy, Không và Sắc cũng bộc lộ rất rõ đâu là nhận thức, kinh nghiệm và sự từng trải, đâu là niềm tin và sự hoài nghi. Có thể nói, còn nhiều điều chúng ta chưa biết nên không thể vội vã kết luận bằng những tiêu chuẩn đã được hình thành, định tính. Vạn pháp do duyên sanh nên pháp thiện, pháp ác cũng không thật sanh diệt. Vì vậy, hãy tiếp xúc với cuộc đời theo cách riêng và bản lĩnh của chính mình.

Với sự giao hoà vô bờ của Không và Sắc, có lẽ, cả những lý thuyết đa trị và bất trị đều trở nên lạc điệu. Ta không nên mất sức vào công việc cố tình xoá đi những cái mà bản thân nó vốn không có hình tướng nào cụ thể, bất biến. Ai đó có thể bằng lòng hoặc không bằng lòng với cách giải quyết vấn đề của tác giả, nhưng quả thật, sự minh chứng về một hệ thống giáo lý đa phương tiện đã làm cho cách giải quyết vấn đề có nhiều hợp lý. Nếu đứng ở một góc nhìn nào đó để đánh giá, tất nhiên, chuyện bàn cãi là không thể tránh khỏi.

“….Đừng xét những sai lầm của người khác, mà hãy sửa đổi những sai lầm của chính mình. Đừng xét những khuyết điểm của người khác, hãy xét những khuyết điểm của chính mình. Điều xấu nhất là có thành kiến tôn giáo và phê phán người khác trong khi không biết rõ tâm trí của họ. Vậy hãy bỏ thành kiến như bỏ thuốc độc”.(Ths. Thái Nam Thắng)

Mời bạn đón đọc.

 
Mua ở đâu?