Với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, cái tên Vũ Tuấn Anh không quá xa lạ. Hiện, ông là Trưởng dự án Khởi nghiệp Cộng đồng Hoa Sen Group; kiêm Giám đốc Điều hành Viện Quản lý Việt Nam.
Cuốn sách tập hợp nhiều bài viết khác nhau được chia thành ba phần, gồm Hiểu về khởi nghiệp; Chuẩn bị cho khởi nghiệp và Những bài học khởi nghiệp; kể lại kinh nghiệm 20 năm khởi nghiệp và góc nhìn của tác giả về những vấn đề từ vi mô đến vĩ mô trong cộng đồng khởi nghiệp hiện nay tại Việt Nam.
Nếu bạn đang tìm hiểu về khởi nghiệp hoặc có khát khao khởi nghiệp nhưng vẫn cảm thấy mình chưa sẵn sàng, thấy rằng mình còn thiếu một điều gì đó thì cuốn sách có thể là một tài liệu tham khảo dành cho bạn.
Trong sách, bạn sẽ bắt gặp những câu chuyện rất đặc thù ở Việt Nam chẳng hạn như Hành trình khởi nghiệp rất cô đơn; “Thành phố khởi nghiệp” như mong muốn của ông Đinh La Thăng – cần làm gì; hoặc như băn khoăn Sinh viên tỉnh lẻ có nên khởi nghiệp …
Xin bắt đầu những chia sẻ trong cuốn sách với câu chuyện “Sinh viên tỉnh lẻ có nên khởi nghiệp”. Đây là băn khoăn có thực của rất nhiều bạn trẻ. Điều này dễ hiểu khi ngày nay người ta nói nhiều về khởi nghiệp; người ta khuyên sinh viên mạnh dạn khởi nghiệp và dĩ nhiên, phần lớn sinh viên tại các trường đại học đến từ các tỉnh thành khác nhau trên khắp đất nước.
Thế nhưng sinh viên tỉnh lẻ thì có nên khởi nghiệp?
Thay vì trả lời cụ thể, tác giả đưa ra những phân tích để các bạn trẻ có cái nhìn toàn cảnh vì ông tin rằng mỗi cá nhân nên tự đưa ra quyết định cho chính mình. Trong số những phân tích đưa ra, có đoạn như lời tâm sự của một người anh dành cho lớp trẻ, ví như “Các bạn cần cân nhắc rằng khả năng thất bại của dự án khởi nghiệp là rất cao. Nếu thất nghiệp, đâu là bệ đỡ cho các bạn? Bạn không thể trở thành gánh nặng cho gia đình dưới quê khi khởi nghiệp thất bại. Sẽ không công bằng khi gia đình bạn đã chịu đựng và lo cho bạn tài chính trong bốn năm học, giờ đây họ phải chịu đựng tiếp thất bại của bạn. Nguyên tắc đầu tiên của trách nhiệm là đừng bao giờ để những người không chịu trách nhiệm phải gánh vác gánh nặng không phải do họ gây ra”…
Đặt trường hợp bạn đã qua thời sinh viên, đã đi làm, đã có kinh nghiệm, đã thấy ánh hào quang từ những startups đang tỏa sáng và bạn khao khát mình cũng tỏa sáng như vậy. Những khao khát cuốn người ta lao về phía trước mà đôi khi không biết mình đã sẵn sàng hay chưa. Hiểu được điều này, tác giả đưa ra 11 câu hỏi mà các bạn cần tự hỏi mình để tránh sạt nghiệp luôn nếu vội vàng khởi nghiệp ngay qua bài viết “Khởi nghiệp thành công: Hãy bắt đầu với những câu hỏi này” ở trang 66.
Với những ai có cái tôi quá lớn và chưa từng thất bại, câu hỏi số 7 cùng những phân tích đi kèm là một lời nhắc để nhớ và cẩn trọng: “Bạn có lắng nghe, suy xét và chấp nhận mình sai khi sai hay không? … Có thể bạn tự lừa dối mình rằng mình làm đúng. Tuy nhiên tiền bạc thì lại rất rõ ràng trên bảng kết toán cuối tháng. Nếu như bạn luôn tin rằng mình đúng thì đó là con đường ngắn nhất đóng cửa doanh nghiệp khởi nghiệp của bạn. Hãy suy xét cẩn thận tất cả những lời nhận xét dù chúng có thể rất khắc nghiệt và thậm chí xúc phạm lòng tự tôn của các bạn.”
Đâu đó trong cuốn sách, các bạn sẽ gặp những bài viết có tựa đề rất dễ gây tranh cãi như chuỗi hai bài Việt Nam – vùng đất chết của khởi nghiệp hoặc chuỗi ba bài Startup đểu mới cần vốn. Xin hãy cứ đọc qua, bạn sẽ thấy tác giả không hẳn vô lý.
Đâu đó trong cuốn sách, các bạn sẽ gặp những lời khuyên được viết theo kiểu gạch đầu dòng hoặc đánh số thứ tự. Chúng có vẻ khô khan, lý thuyết và quen đến mức sáo. Tuy vậy, hãy thử đọc mục III, nơi tác giả dành 74 trang trong tổng cộng 174 trang của cuốn sách kểNhững bài học khởi nghiệp từ chính trải nghiệm và quan sát của mình. Khi bạn thấy rằng một người đã có 7 dự án khởi nghiệp, 5 trong số đó thất bại, có thể bạn sẽ thay đổi nhận xét của mình.
Điều thú vị qua những dự án đã từng thất bại mà tác giả chia sẻ, bạn không chỉ rút ra những bài học quan trọng mà còn hiểu thêm những kiến thức nền thú vị trong lĩnh vực tác giả tham tham gia.
Lấy ví dụ qua bài viết www.banhtrungthu.vn – Thất bại không thể lý giải – Khởi nghiệp lần 5 ở trang 132. Mặc dù tác giả viết rằng: “Trong các khởi nghiệp thất bại, bánh trung thu là dấu hỏi lớn nhất cho tới bây giờ mà tôi vẫn chưa có lời giải.” nhưng qua bài viết chúng ta hiểu rằng tác giả bị vướng bài toán quản trị dòng tiền và sự sẵn sàng của thị trường cho dịch vụ online (Market timing).
Bên cạnh cái hiểu này, chúng ta biết thêm về mức chiết khấu trong thị trường bánh trung thu rất đa dạng ví như từ 40 – 45% dành cho các tổng đại lý và giảm dần 32, 25, 20, 15 đến các đại lý, cửa hàng nhỏ hơn; hoặc như nếu nhìn lại sự chuyển dịch trong hành vi mua hàng của khách hàng thì năm 2001 là một bước chuyển quan trọng. Trước thời điểm này, đa phần bánh chỉ dùng để ăn thay vì biếu. Sau đó, với chiến dịch quảng cáo định vị của các nhãn hiệu lớn trong thị trường, bánh từ ăn đã chuyển sang biếu.
Hai mươi năm kinh nghiệm được gói gọn trong chưa đầy 180 trang sách, hẳn có nhiều điều tác giả không thể diễn đạt hết ý; và dĩ nhiên chắc chắn sẽ có những góc nhìn của tác giả mà bạn đọc không đồng ý. Nhưng có sao đâu, vì rằng mỗi người có những trải nghiệm khác nhau nên quan điểm khác nhau là điều bình thường. Và quan trọng hơn, chính sự khác biệt đôi khi lại là chất xúc tác để người ta nhìn lại, đặt lại cách tư duy của mình.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn