Khóc một mình là truyện ngắn đầu tay của Trần Anh Đào, một thư ký giám đốc công ty liên doanh nước ngoài, viết về nỗi buồn về cuộc hôn nhân tan vỡ của một phụ nữ trẻ, đã được chọn làm tựa chung cho tập 1.
Cũng là tác phẩm đầu tay, trong tập này còn có Nguyễn Thị Hoàng Oanh (với Nhà báo nữ), Nguyễn Thị Phương Thảo (Biển khát), Đỗ Quang Hiếu (Ngọn nến tắt), Đặng Khiết Anh (Trò đùa chân thật), Đoàn Phương Nam (Sắc thần), Hà Vân (Chọn lựa), Trần Minh Thuận (Gánh hát bầu Tèo).
Ngoài ra là Phương Trinh, Phan Thanh Nhã, Trịnh Thị Thanh Bình, Song Hạ, Nguyễn Thiên Ngân, Trần Lâm Trung, Chu Thu Hằng, Lê Minh Nhựt, Trịnh Lan Thương, Hoàng Nguyên, toàn những cây bút trẻ măng (chỉ có mỗi Nguyên Hương giờ đây đã được coi như “cựu binh”).
Mời bạn đón đọc.
Khóc một mình
Nàng ra khỏi lớp học ban đêm sớm hơn một tiếng đồng hồ bởi nàng đói; tan sở làm nàng phải chạy ngay vào lớp, không kịp ăn gì cả. Nàng định rủ ai đó đi cùng với nàng, nhưng lại nghĩ nếu bây giờ mà gọi đứa bạn nào thì ít nhất 30 phút nữa mới gặp nhau và thêm 30 phút nữa mới có thể bắt đầu ăn, nàng không thể chờ được nữa.
Nàng chạy xe về hướng trung tâm Sài Gòn theo thói quen và chợt nhận ra mình đang thả dốc đường Đồng Khởi. Dọc con đường này không có quán ăn bình dân mà nàng lại đang sợ một mình bước vào quán bình dân, sợ sự xô bồ, náo nhiệt nơi đó sẽ không có chỗ yên ổn cho cái tật vừa ăn vừa đọc sách hoặc suy nghĩ của nàng. Nàng nghĩ đến số tiền trong túi và tự tin có thể vào bất cứ nhà hàng sang trọng nào trên con đường này, vì nàng chỉ có một mình, lại ăn ít mà hôm nay nàng vừa lãnh lương.
Nàng dừng xe trước nhà hàng B. Nhà hàng này không xa lạ với nàng vì khi chưa có chồng nàng vẫn thường vào quán này, lúc nó chưa sang trọng như bây giờ nhưng đồ ăn Tây thì ngon tuyệt. Nàng gọi cho mình món súp kem gà và món salad trộn mà nàng thích.
Trong khi chờ dọn món, nàng quan sát những thực khách xung quanh. Chiếc bàn trước mặt nàng có hai mẹ con ngồi, cô con gái nhỏ còn mặc bộ đồ đồng phục đi học, qua câu chuyện loáng thoáng của họ nàng biết hai mẹ con ghé vào đây ăn, chờ đến giờ để đi đón anh của cô bé. Nàng nhớ đến đứa con trai.
Hôm nay là ngày nàng đi học, nó đang ở với ba. Nàng ước gì có nó ở đây để nàng sẽ cho nó ăn bất cứ món gì nó thích. Nhưng thằng bé giống nàng, cái ăn đối với nó hình như không quan trọng, chẳng bao giờ thấy nó bảo thèm gì.
Nàng tìm kiếm một tờ báo hay tạp chí nào đó để đọc trong khi ăn nhưng không thấy, rồi ánh mắt nàng dừng lại ở chiếc bàn đối diện, bắt gặp người mẹ đang chăm chút đút muỗng thức ăn cho con gái. Động tác của chị thật trìu mến. Đến lượt đứa bé lại múc một muỗng thức ăn của mình cho mẹ ăn. Nàng thấy nhớ con đến quặn lòng vì hai mẹ con nàng cũng thường chơi trò chơi này.
Một giọt nước mắt của nàng rơi xuống đĩa súp sánh đặc như bột em bé, tạo ra một vết lõm giống như một vết rỗ trên một làn da mịn màng, rồi hai giọt, ba giọt… Nàng lén chùi nước mắt và nhìn lên xem có ai bắt gặp nàng đang khóc hay không. Trời ơi, giá như có gì để đọc nàng sẽ không rơi vào tình trạng này.
Cuối cùng nàng cảm thấy no dù mới chỉ ăn được mỗi thứ một nửa. Nàng không muốn cố vì sợ vô cùng cái cảm giác phải cố ăn một thứ gì. Nàng nhớ đến những lần đi ăn chung với chồng, lúc gọi món ăn bao giờ nàng cũng được chồng nhắc nhở: “Em ăn hết không đó?”.
Truyện ngắn của TRẦN ANH ĐÀO.
Lý do tan vỡ của gia đình trẻ trong câu chuyện này hoàn toàn không hề nhỏ như những chi tiết được thể hiện. Sự độc đoán, ích kỷ, thói không quan tâm đến người thân cùng tính ti tiện… – những điều mà sẽ rất khó có người đàn bà nào chịu đựng nổi ở chồng mình – được diễn đạt quá hay trong từng chi tiết nhỏ, mới chính là các nguyên nhân quyết định, cứ thế chất chứa từng ngày để rồi bùng vỡ…
Truyện ngắn đầu tay của một cô thư ký giám đốc đang làm việc ở một công ty liên doanh nước ngoài tại TP.HCM này cho thấy nhiều tiềm năng trong tương lai. Chỉ cầu mong đây không phải là câu chuyện của chính cô…
N.Đ.T.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
(Ngày Xem thêm nhiều hơn Thu gọn |