Bước chân vào bệnh viện là vào nơi mà sự sống và cái chết cách nhau chẳng bao xa, nơi mà nỗi đau và niềm hy vọng luôn đan xen, kiến thức y khoa là thứ khá xa lạ với đa số người bệnh… tất cả đã tạo nên một mối quan hệ phụ thuộc của người bệnh với các thầy thuốc. Mối quan hệ này thay đổi tùy theo từng nền văn hóa, tùy theo từng hoàn cảnh điều kiện cụ thể. Về nguyên tắc, người thầy thuốc khi khám bệnh, điều trị cho bệnh nhân không đại diện cho cá nhân họ mà đại diện cho một ngành khoa học đặc biệt, ngành khoa học nhân văn, bởi liên quan tới tính mạng và sức khỏe của con người.
Không thể biết rõ môi trường y khoa với các kiến thức, từ ngữ chuyên môn sâu, nhưng người bệnh cần phải thấy họ được chăm sóc bởi những người tài giỏi nhưng cũng muốn được chia sẻ về căn bệnh, hướng điều trị, tiên lượng về kết quả trị bệnh cũng như được thông cảm với nỗi lo âu. Song, ở các cơ sở y tế hiện nay, nhất là công lập, điều này là thứ xa xỉ. Tình trạng quá tải bệnh nhân, cơ sở hạ tầng bệnh viện xuống cấp, thầy thuốc phải làm việc quá sức… đã khiến không ít thầy thuốc chỉ khám bệnh, chẩn đoán, kê đơn như một cái máy.
Nhu cầu nhân lực ngành y tăng theo cấp số nhân trong khi khả năng đáp ứng chỉ tăng theo cấp số cộng. Không đủ nhân lực, không đủ hạ tầng cơ sở, trang thiết bị, không được đào tạo về tâm lý,… nhưng vẫn phải tiếp nhận nhu cầu khám chữa bệnh quá mức, quá khả năng dẫn đến xung đột giữa thầy thuốc và bệnh nhân ngày càng nhiều, dai dẳng và âm ỉ, khiến cả hai bên cùng chịu nhiều áp lực, thiệt thòi.
Nhận thấy những thực trạng của ngành y nói chung và y tế Mỹ nói riêng, bác sĩ Leana Wen và bác sĩ Joshua Kosowsky đã viết cuốn sách Kể gì với bác sĩ nhằm góp phần cải thiện mối quan hệ hợp tác giữa bác sĩ và bệnh nhân.
Quyển sách này được chia thành năm phần. Phần đầu tiên tóm tắt lịch sử y khoa qua nhiều thời kỳ cho đến Kỷ nguyên Chẩn đoán Phi Cá nhân hóa hiện nay, khi nghệ thuật chẩn đoán dần mai một và để lại những hậu quả nghiêm trọng. Phần hai minh họa những cạm bẫy của y học theo sách vở với bốn ca bệnh từ phòng cấp cứu và ý nghĩa đối với bệnh nhân, bác sĩ và hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung. Trong phần ba và phần bốn, các tác giả chứng minh mọi thứ có thể khác đi như thế nào, mô tả những điều cơ bản của một sự hợp tác chủ động giữa bác sĩ và bệnh nhân, và cách ứng dụng những điều đó trong thực tế. Phần năm và phần cuối xem xét chi tiết ý nghĩa lớn hơn của phương pháp này đối với chính sách chăm sóc sức khỏe và cải cách y khoa. Mỗi chương kết thúc với phần Đánh giá, một bản tổng kết những điểm quan trọng. Cuối cùng là những bài tập và bảng kiểm để giúp bạn luyện tập lại những gì đã đọc. Xuyên suốt cuốn sách, các tác giả cung cấp cho cả người bệnh và nhân viên y tế Tám Điều then chốt để Chẩn đoán tốt hơn:
1. Kể toàn bộ câu chuyện.
2. Bảo vệ chính kiến của mình trong quá trình suy nghĩ của bác sĩ.
3. Tham gia vào việc khám lâm sàng.
4. Cùng xây dựng chẩn đoán phân biệt.
5. Hợp tác cho quá trình ra quyết định.
6. Sử dụng các xét nghiệm một cách hợp lý.
7. Dùng lý trí để xác nhận chẩn đoán sơ bộ.
8. Hợp nhất chẩn đoán vào quá trình chữa trị.
Các tác giả không đổ lỗi cho các bác sĩ vì chẩn đoán sai, những sai lầm của họ là do hệ thống giáo dục y khoa hiện thời. Thông qua những câu chuyện thực tế, bác sĩ Wen và Kosowsky đã minh họa cách người bệnh có thể tham gia vào quá trình khám lâm sàng của mình và hợp tác với bác sĩ để có được chẩn đoán đúng. Những câu chuyện được đưa ra dưới cái nhìn của cả bệnh nhân và các nhân viên y tế như bác sĩ, điều dưỡng, bác sĩ nội trú,… Các tác giả cũng đưa ra những nhận xét cá nhân và lời khuyên cho độc giả. Đây là một quyển sách thực hành, có nhiều hướng dẫn hữu ích để giúp bác sĩ và bệnh nhân có thể giao tiếp hiệu quả hơn.
Bản thân là bác sĩ phòng cấp cứu, các tác giả đã kể lại những câu chuyện có thực để giúp độc giả rút ra bài học cho chính mình. Với những bác sĩ, đó là cách để chẩn đoán tốt, chính xác hơn cho người bệnh của mình, không bỏ sót, nhầm lẫn. Với người bệnh, đó là được chẩn đoán đúng và không bị chỉ định quá nhiều xét nghiệm không cần thiết.
Bác sĩ là chuyên gia về y học nhưng bệnh nhân là người biết rõ nhất về cơ thể mình, vì vậy bác sĩ và bệnh nhân nên hợp tác với nhau để có được chẩn đoán đúng.
Về tác giả:
Bác sĩ Leana Wen là giám đốc trung tâm Nghiên cứu Chăm sóc lấy Người bệnh làm Trung tâm thuộc khoa Cấp cứu, Đại học George Washington. Cô từng đào tạo chuyên khoa tại Trường Y khoa Harvard, cô đã xuất bản hơn 100 bài báo học thuật và có hai bài nói chuyện trên TED talk về chủ đề trao quyền cho người bệnh và cải cách hệ thống y tế.
Bác sĩ Kosowsky là Chủ nhiệm lâm sàng tại Khoa Cấp cứu, bệnh viện Brigham & Women và là phó giáo sư khoa Cấp cứu tại trường Y khoa Harvard. Anh là tác giả của hàng chục bài báo khoa học và đồng tác giả của nhiều cuốn sách giáo trình, đồng thời cũng tham gia biên tập cuốn Pocket Emergency Medicine.
Mời bạn đón đọc!