Thời phong kiến, Bắc sử (lịch sử Trung Quốc) là một giáo trình lớn mà các nhà nho Việt Nam phải học tập. Nhưng từ thời Pháp thuộc trở đi, truyền thống ấy đã bị cắt đứt cùng với chế độ khoa cử Hán học, mặt khác từ cuối thế kỷ XIX trở đi thì giới tri thức Việt Nam bị hút về phương Tây mạnh hơn. Trong Nhị thập tứ sử (tức hai mươi bốn bộ chính sử các đời được xác định trong đời Càn Long nhà Thanh gồm Sử ký, Hán thư, Hậu Hán thư, Tam quốc chí, Tấn thư, Tống thư, Nam Tề thư, Lương thư, Trần thư, Nguỵ thư, Bắc Tề thư, Chu thư, Tuỳ thư, Nam sử, Bắc sử, Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Cựu Ngũ đại sử, Tân Ngũ đại sử, Tống sử, Liêu sử, Kim sử, Nguyên sử, Minh sử) của Trung Quốc hiện chỉ mới có Sử ký của Tư Mã Thiên được trích dịch ra tiếng Việt (bản dịch của Nhữ Thành tức Phan Ngọc ở miền Bắc và Nguyễn Hiến Lê ở miền Nam trước 1975). Cho nên có thể nói rằng phần lớn nhân dân và cả không ít trí thức Việt Nam hiện nay không có sự hiểu biết chính xác về lịch sử Trung Quốc, trong khi trên nhiều phương tiện, đó là một lịch sử mà người Việt Nam cần biết tới một cách đầy đủ hay ít ra là có hệ thống nhất sau lịch sử Việt Nam. Dĩ nhiên cùng với nhiều tiểu thuyết diễn nghĩa Trung Quốc loại Tam quốc diễn nghĩa, Thuyết Đường, Chinh Đông Chinh Tây… được dịch ra tiếng Việt từ thế kỷ trước, các bộ phim truyền hình nhiều tập lấy đề tài lịch sử của Trung Quốc xuất hiện trên màn ảnh nhỏ Việt Nam nhiều năm nay cũng khiến một bộ phận trong lịch sử Trung Quốc trở thành quen thuộc đối với đông đảo nhân dân Việt Nam, Nhưng các tác phẩm văn học và điện ảnh ấy cho dù có giá trị cao cũng là tác phẩm nghệ thuật, có sự hư cấu của tác giả nên giữa những tri thức lịch sử mà chúng chuyển tài với sự thật lịch sử thường xuyên có một khoảng cách khá xa. Vì thế bộ Tế thuyết rút gọn hơn ngàn năm lịch sử Trung Quốc từ Tần Hán đến Dân quốc sáng lập này, với hy vọng nó có thể ít nhiều có giá trị tham khảo đối với những người Việt Nam quan tâm tới lịch sử và văn hoá Trung Quốc.
Về nội dung, quyển Kể chuyện Tuỳ Đường này đề cập tới lịch sử Trung Quốc từ thời kỳ Tuỳ Đường qua thời Ngũ đại, trong đó có nhiều sự hiện, nhân vật mà người Việt Nam đã biết qua các tác phẩm văn học, điện ảnh… Nhưng khác với trong các tác phẩm nghệ thuật nói trên, những nhân vật như Tuỳ Dạng đế, Dương Tố, Đường Thái Tông, Nguỵ Trưng, Huyền Trang, Vũ Tắc Thiên, Đường Huyền tông, Dương Quý phi, Cao Lực Sĩ, An Lộc Sơn, Trương Tuần… trong quyển sách này đã hiện ra với cái “bản lai chân diện mục” và bối cảnh hoạt động có thật của họ trong lịch sử, có thể không gây ấn tượng bằng nhưng chắc chắn không kém phần sinh động và nhất là sẽ khiến người ta phải suy ngẫm nhiều hơn. Dĩ nhiên quyển Kể chuyện Tuỳ Đường này đề cập tới một giai đoạn phức tập trong lịch sử Trung Quốc nên nội dung không khỏi có phần tản mạn, vả lại hình thức biên soạn nhằm phổ cập hoá tri thức này còn ít nhiều mang tính thể nghiệm nên tác giả cũng gặp phải những khó khăn trong việc tổng hợp sử liệu và phân tích sự kiện sao cho những người đọc có trình độ trung bình chấp nhận, những khó khăn mà học giới Trung Quốc vẫn còn phải tiếp tục khắc phục trong tương lai.
Mục lục:
Thẩm Vị Tân, Lời tựa các bộ Kể chuyện Tần Hán, Kể chuyện Lưỡng Tấn Nam Bắc triều, Kể chuyện Tuỳ Đường, Kể chuyện Tống triều
Triệu Kiếm Mẫn, Lời tựa
Tái hiện sự thống nhất
Tuỳ Văn đế
Độc Cô hoàng hậu
Công thần đầu thời Tuỳ
Cao Quýnh
Hàn Cầm Hổ, Hạ Nhược Bật
Lý Đức Lâm
Sử Vạn Tuế
Tẩy phu nhân
Phép Đại sách mạo duyệt và Thâu tịch
Dương Tố
Sự thay đổi của Đích trưởng chế
Tuỳ Dạng đế hăng hái tham lam
…
Mời bạn đón đọc.