Xem sách hay

Huynh Đệ (Tập 1)

Mua ở đâu?
Dư Hoa

Dư Hoa


Cuốn tiểu thuyết Huynh đệ của nhà văn Dư Hoa, được giới phê bình Trung Quốc ví như một cơn lốc bởi sự hấp dẫn của gần 400 ngàn chữ cũng như ý tưởng quyết liệt của tác giả thử thách đến tận cùng nhân tính con người, chuẩn bị được phát hành tại Việt Nam. Bản Việt ngữ cuốn Huynh đệ do Vũ Công Hoan dịch, NXB Công an nhân dân giữ bản quyền.

Cùng được Chính phủ Pháp trao Huân chương kỵ sỹ, nhưng không ồn ào như Mạc Ngôn khi đến Việt Nam, cũng không xôn xao báo giới như Cây không gió của Lý Nhuệ, Dư Hoa được biết đến trước hết bởi anh là tác giả của Sống – cuốn tiểu thuyết được Trương Nghệ Mưu dựng thành phim cùng tên gây tiếng vang khắp thế giới. Sau gần 10 năm im lặng, Dư Hoa trở lại cùng cuốn tiểu thuyết mới mang tên Huynh đệ.

Dư Hoa nói với bạn đọc: Đây là cuốn tiểu thuyết được sản sinh sau sự gặp nhau của hai thời đại, cái trước là câu chuyện trong cuộc cách mạng văn hoá, một thời đại của tinh thần cuồng nhiệt, bản năng bị đè nén và những số phận thảm liệt, tương đương thời trung cổ ở châu Âu. Cái về sau là câu chuyện hiện tại, đó là một thời đại luân lý điên đảo, túng dục sống gấp và chúng sinh trưng ra muôn vẻ, hơn cả người châu Âu ngày nay.

Muốn trải qua hai thời đại một trời một vực như thế, một người phương Tây phải sống đến 400 năm, một người Trung Quốc chỉ cần 40 năm đã trải qua rồi. Vô vàn những biến động trong 400 năm được cô đúc, dồn nén trong 40 năm, đó là một quá trình từng trải hết sức quý giá. Mắt xích gắn kết hai thời đại chính là hai người anh em huynh đệ này, cuộc đời họ rạn nứt trong sự rạn nứt, buồn vui, họ nổ bùng trong sự bùng nổ, số phận họ cũng long trời lở đất giống như hai thời đại này và cuối cùng họ tất sẽ phải nuốt lấy hậu quả từ những ân oán đan xen chồng chéo.

Huynh đệ xoay quanh cuộc đời Lý Trọc, cậu bé mất cha khi chưa chào đời và tuổi thơ ấu khốn khổ trong cách mạng văn hoá. Lý Trọc bất hạnh từ bé, không bao giờ biết mặt cha, lên 5 thì mẹ cậu – công nhân nhà máy tơ tên Lý Lan – đi bước nữa với thầy giáo Tống Phàm Bình. Hạnh phúc ngắn ngủi của hai người nhanh chóng tan như bọt xà phòng bởi cách mạng văn hoá. Cũng vì thế Lý Trọc và Tống Cương (con riêng của Tống Phàm Bình) vướng họa từ thuở lên 8. Bố bị bắt đi đấu tố vì lý lịch con nhà địa chủ, mẹ đi Thượng Hải chữa bệnh không biết họa nhà. Tống Phàm Bình yêu vợ thương con, trong nhà giam chịu đòn roi vẫn đều đặn viết thư động viên vợ yên tâm chữa bệnh. Hai đứa trẻ thần tượng bố, nhưng cuối cùng chính chúng phải chứng kiến cái chết thảm khốc của bố dưới gót giày hồng vệ binh.

Cũng trong những nỗi đau cùng kiệt của kiếp người, một tình yêu lớn lao và đẹp cổ điển của họ đã ở lại cùng bạn đọc: Tống Phàm Bình hứa với Lý Lan, khi nào vợ khỏi bệnh chính anh sẽ đến Thượng Hải đón vợ. Trốn khỏi nhà giam của hồng vệ binh, Phàm Bình ra bến xe khách mua vé, anh bị chặn đánh nhưng vẫn cố nhoài người mua được vé và chỉ tắt thở khi chuyến xe cuối cùng đi Thượng Hải chạy khuất. Hai đứa trẻ tám tuổi phải bám chân van lạy những người qua đường chở xác cha về nhà. Còn Lý Lan chờ chồng cả ngày trước cửa bệnh viện mà không thấy, chị không dám ngủ, không dám ăn vì sợ chồng qua mà không thấy. Hôm sau, chị đi xe về một mình, chị không tin chồng đã chết, chị không khóc, chị tắm rửa cho chồng, nằm gối đầu lên ngực chồng ngủ qua đêm, gói những hạt bùn đen dính máu chồng vào tấm vải lụa, hôm sau mới đi mua quan tài khâm liệm tiễn chồng. Chị để tang chồng bằng mái đầu 7 năm không gội, để rồi đến khi gội xong thì mái tóc hoá bạc trắng và chị vui mừng khi thấy sức mình sắp kiệt, vì sắp được đến bên chồng.

Hai anh em Lý Trọc và Tống Cương lớn lên trong tất cả những bạo lực, nhiễu nhương và chứng kiến những người thân lần lượt ra đi trong bi phẫn. Mỗi đứa mỗi tính, Tống Cương hiền lành, giống bố vì đạo nghĩa, sẵn sàng hy sinh cho em. Còn Lý Trọc thông minh, tinh quái, 14 tuổi đã nổi tiếng thị trấn vì tội rình xem mông đàn bà. Nhưng cũng vì thế, Lý Trọc là người được ăn nhiều nhất món mì Dương Xuân thượng hạng tại thị trấn, vì cậu biết tận dụng cái bí mật mông Lâm Hồng để bán cho những gã đàn ông háo sắc và biến thái.

Chúng đã lớn lên trong sự bi đát nhất của con người, từng nhìn thấy quá nhiều sự hắt hủi của con người với đồng loại như mất hết nhân tính. Nhưng chúng vẫn trọng đạo nghĩa làm người và bắt đầu một cuộc sống khác. Phần đầu của Huynh đệ khép lại ở tuổi 15 của hai đứa trẻ, nhưng mở đầu là một Lý Trọc tỷ phú, một Tống Cương đã thành tro xương mà Lý Trọc nghĩ một cây bé tí tẹo đốt thành tro cũng còn nhiều hơn tro xương của Tống Cương… Nhưng cũng đến lúc ấy, Lý Trọc chợt nhận ra mình chẳng còn ai ruột thịt trên cõi đời này.

Hiện tại, Dư Hoa đang viết gần xong phần cuối của Huynh đệ và có thể sẽ xuất bản trong năm 2006 này. Nhưng ông từ chối tiết lộ nội dung về phần sau cuộc đời anh em huynh đệ Lý – Tống. Chỉ biết rằng, phần I của Huynh đệ đã in tới 350 ngàn bản vào tháng 8/2005 tại Trung Hoa đại lục và nó đã và đang được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Đúng như Jeans Jacques Aillagon, Bộ trưởng Văn hoá Pháp nói, truyện của Dư Hoa luôn đi sâu tìm tòi một thế giới đầy rẫy căng thẳng và bạo lực. Lời văn đầy sức mạnh, hiện thực và ảo tưởng, ly kỳ và tầm thường, đồng thời nhào trộn vào nhau. Phương thức sáng tạo độc nhất vô nhị đó đã khiến bạn đọc cảm nhận được cái thế giới mà nhân tính đã bị thử thách đến cùng cực, rồi sau đó lại trở về những lo lắng và niềm vui thời thơ ấu…

Cũng như Sống, trong Huynh đệ, Dư Hoa đã đẩy nhân vật của mình đến tận cùng của những bi kịch xã hội, để rồi họ phải tự xử lý cuộc đời mình theo những lối đi riêng. Nhà phê bình nổi tiếng Trung Quốc Lý Cật nhận xét: Trong sáng tác tiểu thuyết trào lưu mới, thậm chí trong toàn bộ nền văn học Trung Quốc, thì Dư Hoa là một người kế thừa và phát triển tinh thần Lỗ Tấn tiêu biểu nhất.


Huynh Đệ
Huynh đệ

(Tiểu thuyết của Dư Hoa, Vũ Công Hoan dịch, NXB Công An Nhân Dân)

TT – Đọc tiểu thuyết này đau xót, bi phẫn mà cứ phải bật cười. Vào mấy trang đầu đã cười rồi, nhưng ngẫm lại thì thấy ghê rợn. Đó là do lối viết của tác giả. Một lối kể chuyện rất đúng chất “văn Tàu”, kể và kể, chỉ hành động và sự việc bộc lộ tâm lý và tính cách nhân vật.

Mà nhân vật đây là hai cậu bé (trong tập I này của tác phẩm) Lý Trọc và Tống Cương, giữa thời buổi cách mạng văn hóa làm điên đảo cả xã hội Trung Quốc.

Tập II tác giả chưa viết xong, nhưng ông cho biết trong đó sẽ là xã hội Trung Quốc thời kinh tế thị trường đảo điên còn hơn cả châu Âu hiện nay, và hai cậu bé lớn lên thành hai người đàn ông với những số phận thăng trầm khác nhau theo thời cuộc.

Dư Hoa (sinh 1960) từng có tiểu thuyết Sống đã được đạo diễn Trương Nghệ Mưu dựng thành bộ phim nổi tiếng. Tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và ông đã được nhận nhiều giải thưởng trong và ngoài nước.

Huynh đệ bản tiếng Trung xuất bản năm 2005. Hiện nay Dư Hoa được xem là “tài hoa bậc nhất văn đàn Trung Quốc đương đại”.

Theo Báo Tuổi trẻ 23/04/2006 Phạm Xuân Nguyên

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


The Complete Guide To The TOEFL Test (IBT Edition)
NXB Thomson Learning giới thiệu bộ sách The Complete Guide to Toefl IBT
(Ngày 09/03/2007)
<IMG class=img_avatar id=StoryAvatar o

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


 
Mua ở đâu?