Pháp uyển châu lâm gồm một trăm quyển, do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc. Sư họ bàn, người Trường An, Kinh Triệu. Năm mười hai tuổi, sư xuất gia tại chùa Thanh Long. Sau thời gian tu tập, sư nổi tiếng tinh thông Luật học. Trong khoảng niên hiệu Hiển Khánh (556-561), sư tham gia dịch trường của ngài Huyền Trang. Sau đó, sư vâng chiếu chỉ đến trụ tại chùa Tây Minh cùng với ngài Đạo Tuyên xiển dương Luật học. Năm Hiển Khánh thứ tư (659), sư soạn xong bộ Chư kinh yếu tập hai mươi quyển. Sư lại tiếp tục dành khoảng thời gian mười năm (659-668) mở rộng bộ này thành bộ Pháp uyển châu lâm, mời Lan đài thị lang Lý Nghiễm viết lời tựa. Theo các nhà nghiên cứu Phật học, sách này có hai điểm đặc sắc:
1. Ghi chép đầy đủ về người và vật: Hoàn toàn chú trọng vào các kinh sách y cứ, không ức thuyết, suy đoán, hư cấu. Vì thế Pháp uyển đã dẫn dụng rất nhiều kinh sách. Ngoài ba tạng của nhà Phật, còn có sấm thư, vĩ thư của Nho gia, Đạo sĩ pháp luân kinh, Lão Tử thăng huyền kinh… là kinh điển của Đạo giáo. Sư lại trích dẫn cả Tạp sử, Bại sử, như Ngụy lược, Tề xuân thu, Liệt dị truyện, Tinh dị truyện… Nếu việc gì không có điển cứ thì y theo lời của người thời bấy giờ kể, như Vương Đồng Nhân, Vương Huyền Sách tuyển sư, Pháp Vân, tì nữ của Thôi Nghĩa Khởi… (vì thấy không cần thiết nên người dịch lược bỏ những đoạn này).
2. Bảo tồn được những văn hiến và sử liệu quí báu: Về Phật điển, Pháp uyển trích dẫn văn của năm mươi hai loại kinh sách đã thất lạc mà từ lúc soạn Khai Nguyên Thích giáo lục đến nay chưa tìm thấy, như kinh Thiện quyền, Quán Phật tam-muội, Tịnh độ tam-muội… cùng rất nhiều bản kinh thuộc loại Nghi ngụy bị thất lạc. Về ngoại thư thì dẫn những đoạn văn trong Minh tường kí, Trung Thiên Trúc hành kí của Vương Huyền Sách… nay đã thất truyền.
Mời bạn đón đọc.