Văn học Hàn Quốc rất phong phú và đặc sắc. Tuy nhiên, những tác phẩm được dịch và giới thiệu ở Việt Nam còn quá khiêm tốn. Bộ Hợp tuyển văn học Hàn Quốc được biên soạn với mục đích dịch và giới thiệu những tác phẩm (trích đoạn tác phẩm) tiêu biểu, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc quan tâm, yêu mến và mong muốn thưởng thức, tìm hiểu văn chương xứ sở Kim chi.
Trước khi bán đảo Hàn bị chia cắt bởi vĩ tuyến 38 (bắt đầu từ năm 1945 và chính thức từ năm 1953), có một nền văn học truyền thống của chung toàn bán đảo. Sau khi chia cắt, miền Bắc và miền Nam thành hai quốc gia. Ở miền Bắc (North Korea) là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Joseon Minjujueui Inmin Gonghwaguk), cách gọi tắt quen thuộc ở Việt Nam là Triều Tiên. Ở miền Nam (South Korea) là Daehan Minguk (Đại Hàn Dân Quốc), cách gọi tắt quen thuộc ở Việt Nam là Hàn Quốc.
Theo Kim Jung Bae(1) và nhiều nhà nghiên cứu khác, Han (Hàn) trong “bán đảo Hàn”, “người Hàn”, “chữ Hàn”, “dân tộc Hàn”… vốn là một từ tiếng Hàn có nghĩa là “vĩ đại”, xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử. Sau sự sụp đổ của Go Joseon (Cổ Triều Tiên), vào thế kỷ cuối cùng trước Công nguyên và các thế kỷ đầu sau Công nguyên, ở Trung và Nam bộ bán đảo Hàn hình thành ba liên minh bộ lạc là Mã Hàn, Thìn Hàn, Biện Hàn. Các liên minh bộ lạc này đến thế kỷ IV bị sát nhập vào các nước Tam Quốc của Korea. Từ Han được chuyển sang Hán tự là 韓, 幹, hay 刊, có sự phân biệt với từ chỉ người Hán (漢) hoặc nước Hàn (韓) thuộc về Trung Hoa.
Khi trình bày văn học dân gian, văn học cổ điển, tức là những thời kỳ mà bán đảo Hàn chưa bị chia cắt, một cách chặt chẽ, cần dùng thuật ngữ “văn học Korea” (Korean Literature), không phân biệt Bắc (North Korea) và Nam (South Korea). Tuy nhiên, do điều kiện tư liệu về văn học Triều Tiên (North Korea) còn rất thiếu thốn ở Việt Nam, ngay khi tìm hiểu văn học dân gian, văn học trung đại, chúng tôi cũng như giới nghiên cứu ở Việt Nam nói chung chỉ có thể dựa vào nguồn tư liệu tác phẩm, tài liệu tham khảo của Hàn Quốc. Vì vậy, khái niệm “Hàn Quốc” trong tên của bộ sách Hợp tuyển này được hiểu theo nghĩa rộng với phạm vi “bán đảo Hàn” cho đến trước năm 1945 và được hiểu theo nghĩa hẹp với phạm vi Đại Hàn Dân Quốc từ năm 1945 trở đi.
Bộ sách Hợp tuyển văn học Hàn Quốc bao gồm 3 cuốn: (1) Văn học dân gian, (2) Văn học cổ điển, (3) Văn học hiện đại.
Bộ sách này thuộc khuôn khổ Đề án Phát triển tài nguyên nghiên cứu và giảng dạy văn học Hàn Quốc ở Việt Nam thực hiện trong ba năm 2012 – 2015 với sự tài trợ của Viện Nghiên cứu Trung ương Hàn Quốc.
Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn Viện Nghiên cứu Trung ương Hàn Quốc. Xin trân trọng cảm ơn các giáo sư Hàn Quốc và Việt Nam tham gia các hội đồng thẩm định sách của Viện Nghiên cứu Trung ương Hàn Quốc đã cho chúng tôi những chỉ dẫn, góp ý để sửa chữa, bổ sung bản thảo.
Trân trọng cảm ơn GS. Bae Yang Soo (Trưởng Khoa Đông Nam Á học Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Busan) đã đọc biên tập cuốn sách.
Xin trân trọng cảm ơn các học giả, dịch giả mà chúng tôi đã tham khảo các tài liệu nghiên cứu cũng như sử dụng tư liệu tác phẩm dịch trong khi biên soạn Hợp tuyển này.
Xin trân trọng cảm ơn Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện thuận lợi cho bộ sách được ra mắt độc giả.
Chủ biên cũng như các dịch giả của công trình này đã có quá trình nghiên cứu, dịch thuật và đã xuất bản một số sách liên quan đến văn học châu Á, văn học Hàn Quốc. Trong quá trình biên soạn và dịch thuật, chúng tôi đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và hết sức cố gắng. Tuy nhiên, cũng khó tránh khỏi sai sót. Kính mong được lắng nghe những ý kiến góp ý của các bậc thức giả, quý độc giả giúp chúng tôi hoàn thiện công trình.
Xin trân trọng cảm ơn.
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 4 năm 2017
Thay mặt tập thể soạn giả, dịch giả
Phan Thị Thu Hiền
Mời bạn đón đọc.