Hội Phù Đổng – Một Trận Đánh Thần Kỳ Trong Truyền Thuyết Việt Nam
Từ rất xa xưa, câu chuyện về Thánh Gióng, một cậu bé lên ba, sinh ra không biết nói, nhưng đã bật lên tiếng nói khi nghe tin có người của nhà Vua đi cầu hiền tài đánh giặc cứu nước. Và câu nói đầu tiên của đời mình là xin mẹ mời sứ giả đến gặp. Rồi cậu lớn lên như thổi, cưỡi ngựa sắt đánh tan quân thù, giành độc lập cho đất nước. Câu chuyện này đã được ông bà, cha mẹ kể cho con cháu từ đời này qua đời khác, trở thành đề tài văn học với những áng thơ văn bất hủ, thành hình tượng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật và trở thành những bài đọc trong sách giáo khoa phổ thông. Câu chuyện đã gieo vào lòng các thế hệ người Việt Nam óc tưởng tượng cùng với biết bao bài học từ huyền thoại đó. Có lẽ không người Việt Nam nào không biết câu chuyện này.
Cũng xuất phát từ truyền thuyết về Thánh Gióng, người dân ở một số địa phương ở đồng bằng Bắc Bộ như các làng Phù Đổng, Phù Dực, Đổng Viên, Đổng Xuyên (huyện Gia Lâm), Vệ Linh, Dược Thượng (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã lập đền thờ Thánh Gióng và tổ chức ngày hội làng với những diễn xướng và biểu tượng đầy kịch tính, vô cùng sáng tạo. Hội Gióng đã trở thành một nét văn hóa, tín ngưỡng sâu đậm, không thể thiếu được của người dân. Với lý do đó, UNESCO đã công nhận hội Gióng ở đền Sóc và đền Phù Đổng là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nhân dịp hội Gióng tổ chức lần đầu tiên sau khi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại điện của nhân loại, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xin trân trọng giới thiệu cuốn sách "Hội Phù Đổng – Một trận đánh thần kỳ trong truyền thuyết Việt Nam" nhằm cung cấp cho bạn đọc những tư liệu quý, hiếm về Di sản văn hóa độc đáo này; giúp cho đông đảo quần chúng nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế hiểu sâu sắc hơn về hội Gióng, tôn vinh truyền thống hào hùng của dân tộc ta. Cuốn sách được xuất bản dựa trên nguyên bản tiếng Pháp, được dịch sang tiếng Việt vào năm 1995; là một phần trong công trình được giải thưởng Hồ Chí Minh "Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam" của Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên.
Mời bạn đón đọc.