- Vào trang riêng của tác giả
- Xem tất cả các sách của tác giả
Hiệp Sĩ Không Hiện Hữu:
Hiệp sĩ Agilulfo không hiện hữu, nhưng có hiện diện, thậm chí chàng hiện diện một cách mạnh mẽ, trong đội quân của Hoàng đế Charlemagne. Cùng chàng nam tước chỉ sống trên cây không chạm chân xuống mặt đất của Nam tước trên cây, chàng tử tước có hai nửa con người trong Tử tước chẻ đôi, hiệp sĩ Agilulfo hoàn chỉnh sự kỳ thú cho bộ truyện Tổ tiên của chúng ta của Italo Calvino; ông cũng là nhà văn duy nhất đủ khả năng làm cho sự "không hiện hữu" còn thật hơn sự thật, thêm một lần nữa vinh danh ý chí thuần khiết và lại nhắc nhở ta rằng: những câu chuyện xa xưa rọi rất nhiều ánh sáng lên cuộc sống hiện tại của chúng ta.
Đoạn đầu cuốn Hiệp sĩ không hiện hữu, ở đó một sự thiết tha tuyệt diệu biểu lộ còn nhiều hơn nữa nếu ta nghĩ rằng đó là một người trống rỗng, một sự trống rỗng biết nói.
Trang viết tuyệt diệu bởi, từ một chủ thể trống rỗng, trống rỗng về mặt vật chất, nó miêu tả sự phức tạp của những mối quan hệ con người, cách thức chủ thể chịu đựng hình ảnh của mình giữa những hình ảnh khác, với một sự tinh luyện xuất chúng. Ở đó có những điều tinh luyện của thứ tình cảm hẳn không xa lạ với thế giới Proust.
Có một tấn thảm kịch nhỏ về cuộc sống cộng đồng, về con người giữa những người khác, được diễn dưới vẻ ngoài của một câu chuyện kỳ ảo. Khi ấy, cái trống rỗng không chỉ còn là một dạng mưu mẹo tu từ học. Nó mang một chức năng chiến lược vô cùng mới mẻ và gây rất nhiều say mê, và nó, thêm nữa, lại vang vọng hoàn hảo với số lượng những thứ cùng cảm nhận về nhau, nói với nhau và nghĩ tới nhau.
Trên thực tế, qua đó mà văn bản đặt ra một kiểu chu chuyển trong đó ta không bao giờ biết tính nhân quả tâm lý thực sự nằm ở đâu. Và quả thật, không còn tính nhân quả tâm lý nữa, mà có một dạng gương bất tận soi những ngẫu nhiên về mặt tâm thần – các phẩm hạnh.
***
Vài nét về tác giả:
Italo Calvino (1923-1985) là một trong những nhà văn lớn nhất thế kỷ XX của Ý. Năm 1947 ông đã xuất bản tiểu thuyết đầu tay, Il sentiero dei nidi di ragno (Lối đi mạng nhện). Phần lớn tác phẩm của Calvino là kiệt tác: nhóm tiểu thuyết về thời quá khứ với tên gọi chung "Tổ tiên của chúng ta", Il Visconte dimezzato (Tử tước chẻ đôi, 1952), Il Barone rampante (Nam tước trên cây, 1957) và Il Cavaliere inesistente (Hiệp sĩ không hiện hữu, 1959); Cosmicomics (1965); Những thành phố vô hình (1972), và đặc biệt là Nếu một đêm đông có người lữ khách… (1979). Calvino còn là một nhà phê bình rất tên tuổi với khối lượng trước tác đồ sộ.
Những tác phẩm khác của Italo Calvino do Nhã Nam xuất bản:
– Nam tước trên cây
– Tử tước chẻ đôi
– Nếu một đêm đông có người lữ khách
Mời bạn đón đọc.
Hiệp sĩ không hiện hữu
Cuốn sách cuối cùng trong bộ tiểu thuyết ‘Tổ tiên của chúng ta’ của nhà văn Italy – Italo Calvino.
Nếu như nhân vật chính trong "Nam tước trên cây" là chàng nam tước chỉ sống trên cây không chạm chân xuống mặt đất, trong "Tử tước chẻ đôi" là chàng tử tước có hai nửa con người thì đến "Hiệp sĩ không hiện hữu", người đọc được gặp gỡ Agilulfo can trường và dũng mãnh trong đội quân của Hoàng đế Charlemagne. Chàng đặc biệt trung thực và vô cùng cô đơn, và chàng mang một đặc điểm riêng có: chàng không hiện hữu.
Chàng tồn tại dưới bộ áo giáp màu trắng nổi bật nhưng thực chất bên trong đó lại không có gì cả. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản Agilulfo chiến đấu, ăn uống, trừng phạt quân lính, trò chuyện với người khác và được một người phụ nữ theo đuổi (nữ chiến binh Bradamante lẫy lừng, một hiệp sĩ nổi tiếng khác trong đội quân của Charlemagne).
Tác phẩm cũng xuất hiện Rambaldo, một hiệp sĩ tập sự – người bước vào chiến trận để trả thù cho cha trước đây bị quân ngoại giáo giết chết. Rambaldo tình cờ được Bradamante cứu sống và sau đó coi nàng như một mục đích sống. Chàng theo đuổi nữ hiệp sĩ ngay cả khi nàng đã trở thành một nữ tu sống trong nhà tu kín, bao quanh là các bà xơ, chịu trách nhiệm sám hối bằng cách viết ra những câu chuyện về chiến trận. Sau này, khi hiệp sĩ Agilulfo tan biến vì một vụ hiểu nhầm rắc rối, Rambaldo chính là người được thừa kế bộ áo giáp lừng danh của chàng.
Trong "Hiệp sĩ không hiện hữu", người đọc còn được gặp một nhân vật hiệp sĩ khác có tên Torrismondo mà mối tình của anh với nàng Sophronia xứng đáng được coi là một vở hài kịch điển hình, lắt léo, nhiều điểm thắt nút mở nút bất ngờ liên quan đến nguồn gốc thân phận mỗi người.
Cũng trong "Hiệp sĩ không hiện hữu", Italo Calvino cho chúng ta dự phần vào cuộc sống chiến trận của đội quân hiệp sĩ dưới quyền cai quản của Hoàng đế Charlemagne khi ấy đã về già, vẫn rất can đảm và công bằng nhưng đã có phần lẩm cẩm và ba phải. Câu chuyện của Italo Calvino rất khác với truyền thuyết về vị hoàng đế từng có một vị trí quan trọng trong lịch sử châu Âu nói chung và lịch sử Thiên chúa giáo nói riêng. Calvino cũng không ngần ngại đưa vào tác phẩm của mình những nhân vật rất đặc biệt như anh lính hầu Gurdulù hay viên thủ lĩnh của đội quân ngoại giáo.
Với "Hiệp sĩ không hiện hữu", Italo Calvino tiếp tục phát huy ngòi bút trộn lẫn sự thật lịch sử với những chi tiết nhẹ nhõm, khôi hài nhưng không thiếu vắng suy tư sâu sắc, siêu hình về bản thể con người, trong một giọng văn tinh tế và rất mực nhân từ.
"Hiệp sĩ không hiện hữu" là cái kết hoàn hảo cho bộ truyện "Tổ tiên của chúng ta" – nhóm tiểu thuyết lừng danh về thời quá khứ, nhắc nhở chúng ta: những câu chuyện xa xưa rọi rất nhiều ánh sáng lên cuộc sống hiện tại.
Italo Calvino (1923-1985) là một trong những nhà văn lớn nhất thế kỷ XX của Italy. Ông xuất bản tác phẩm đầu tay "Lối đi mạng nhện" vào năm 1947 và tiếp theo là nhiều tác phẩm, như "Cosmicomics" (1965), "Những thành phố vô hình" (1972)…
H.A.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
Hiện hữu tiếng cười
TT – Thế là sau các cuộc phiêu lưu cùng một chàng nam tước suốt đời chân không chạm đất (Nam tước trên cây), một vị tử tước thân chia làm hai nửa (Tử tước chẻ đôi), người đọc Việt Nam lại có dịp diện kiến một nhân vật kỳ lạ không kém – một hiệp sĩ không hiện hữu trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Ý Italo Calvino.
Hiệp sĩ không hiện hữu là cuốn thứ ba và là cuốn cuối cùng trong bộ sách Tổ tiên của chúng ta của Calvino được dịch ra tiếng Việt, vẫn do Vũ Ngọc Thăng. Với cuốn sách này, một lần nữa người đọc Việt Nam có dịp được trở về một châu Âu thời Trung cổ, để đắm mình trong không khí huyền hoặc của một thứ văn chương uyên nguyên và khinh khoái.
Tương tự hai tác phẩm trước, Hiệp sĩ không hiện hữu được xây dựng trên một ý tưởng độc đáo: trong đoàn quân của hoàng đế Charlemagne lừng danh có một vị hiệp sĩ hiện diện nhưng không hiện hữu. Dưới bộ áo giáp trắng toát lúc nào cũng lấp lánh của vị hiệp sĩ này đơn giản là chẳng có một thân xác nào. Ðể cho sự thể thêm trớ trêu, hiệp sĩ được nhà vua tặng cho một người hầu luôn tưởng mình là một cái gì đó khác: vịt, ếch, cá, dê hay thậm chí phomát, vì một lẽ anh này, ngược lại với hiệp sĩ, hiện hữu nhưng không hề hiện diện.
Một người đọc quan tâm đến nghệ thuật tiểu thuyết hẳn sẽ nhặt ra được từ cuốn này (cũng như từ Nếu một đêm đông có người lữ khách) những quan niệm về tiểu thuyết. Nếu không quan tâm đến nghệ thuật tiểu thuyết thì có thể suy ngẫm về hai mặt đối lập hiện hữu – hiện diện. Gần cuối sách, có nhân vật nói: "Ngay chuyện hiện hữu cũng phải học" (tr.213). Quả là thế, nếu như muốn hiện hữu là một việc có ý nghĩa. Bằng không, hiện hữu đấy mà cũng như không. Còn nếu không quan tâm đến nghệ thuật tiểu thuyết cũng không ưa suy ngẫm, có thể đọc Hiệp sĩ không hiện hữu đơn giản để thưởng thức nụ cười mang nhãn hiệu Calvino – một nụ cười vừa giễu cợt nhẹ nhõm vừa mang dáng vẻ thông thái
của một nhà hiền triết.
Một tiểu thuyết chiều người đọc đến thế, còn mong gì hơn!
(Báo tuoitre.vn giới thiệu ngày 02/11/2012)
LÂM VŨ THAO.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn