Xem sách hay

Hạt Cơ Bản -Tiểu thuyết

Mua ở đâu?
Michel Houellebecq

Michel Houellebecq

Hạt Cơ Bản -Tiểu thuyết 

Cuốn tiểu thuyết dữ dội phê phán xã hội phương Tây hiện nay, cũng như những năm 60, 70 của thế kỷ trước; nhà văn còn cực đoan đến mức muốn xóa bỏ cái xã hội đầy rẫy cái xấu xa và tệ nạn ấy.

 

Hai nhân vật chính, Bruno Clément và Michel Djerzinski, đều sống với bà và đều học ở trường trung học ở Meaux. Houellebecq đã rút tỉa các sự kiện từ chính cuộc đời mình; theo một cách nào đó ông đã tự phân tích mình, cuộc tiểu phẫu đó là tiền đề cho cuộc đại phẫu áp dụng cho xã hội, mà ông đã tiến hành một cách xuất sắc trong Hạt cơ bản.

Con dao mổ của Houellebecq sắc nhọn, nó bới tung từng ngóc ngách của con người và xã hội, nỗi khốn khổ hiện đại bị lột trần. Nhưng lẽ dĩ nhiên, trước đó, nó đã gây đau đớn cho chính ông.

 

Ở Pháp, Hạt cơ bản rất ăn khách. Năm 1998, việc Houellebecq “trượt” giải Goncourt làm người ta nhớ lại năm 1932 kiệt tác “Hành trình đến tận cùng đêm tối” của Céline cũng để tuột giải này về tay nhà văn Guy Mazeline. Hạt cơ bản chỉ giành giải Novembre.

 

Hạt cơ bản mở đầu bằng việc nhà khoa học Michel Djerzinski xin nghỉ làm tại Trung tâm Khoa học Quốc gia sau 15 năm làm việc tại đây, lấy lý do là để dành thời gian suy nghĩ. Trên thực tế anh sẽ tiến hành những nghiên cứu mang ý nghĩa lớn cho toàn bộ loài người.

Tiếp đó câu chuyện quay về những năm tháng tuổi thơ của hai anh em Michel và Bruno, xen lẫn với cuộc sống sau này của họ. Ở Bruno khía cạnh nổi bật là ham mê tình dục đến mù quáng, còn Michel lại hoàn toàn ngược lại: anh là con người của lý trí, dịu dàng và luôn hướng tới một đạo đức theo lối của triết gia Kant.

 

Câu hỏi lớn của Michel là hạnh phúc có tồn tại thật không, và phải giải quyết mối tương quan giữa đàn ông và đàn bà như thế nào. Hai anh em (cùng mẹ khác cha) chỉ giống nhau ở điểm cả hai cùng cô độc, từ bé đến lớn không có chỗ dựa nào khác ngoài những bà nội bà ngoại già nua. Số phận họ bị kết án không thể hạnh phúc, dù đã có lúc bên cạnh Bruno có Christiane dịu dàng và tinh tế, Michel có Annabelle kiều diễm.

 

Sự bi thảm nằm ở từng câu chữ của tiểu thuyết, và trong từng sự kiện nhỏ nhặt nhất của cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Bruno và Michel sống bên lề của những biến chuyển xã hội phương Tây, họ không phải hippie, không phải rock star, mà chỉ là những con người cô đơn, luôn thấy cuộc sống nhàm chán, trống rỗng và đáng căm ghét.

Cùng với sự xuống dốc cuộc đời của họ là sự xuống dốc không phanh của phương Tây, rơi tõm vào cơn cuồng loạn của chủ nghĩa tiêu dùng, sự đi xuống của cái gọi là Đức tin, sự đe dọa của nhân bản vô tính, tính hủy diệt của các giá trị tự do, trong đó có vai trò không nhỏ của phong trào giải phóng tình dục những năm 60; tất cả những cái đó, theo Houellebecq sẽ hủy diệt loài người như một quả bom hạt nhân (Chính vì thế mà ông đặt tên tác phẩm của mình là Hạt cơ bản).

 

Theo nhiều nhà phê bình Pháp, kể từ Con quái vật (Roi des Aulnes) của Michel Tournier năm 1970 đến nay chưa có tiểu thuyết Pháp nào chứa đựng nhiều ý tưởng như tác phẩm của Houellebecq. Cả hai tác phẩm đều có tham vọng giải quyết các vấn đề to lớn của toàn nhân loại,Tournier bằng con đường tôn giáo còn Houellebecq bằng con đường khoa học.

 

Đọc Hạt cơ bản, cũng là một cách ngược dòng thời gian trở về những năm 60, 70 của thế kỷ XX ở phương Tây, khi mà tinh thần “tháng năm năm sáu tám”, tinh thần giải phóng tình dục như lý giải cho một sự bế tắc, trống rỗng, hỗn mang đến kinh hoàng, con người cá nhân đã phơi bày một cách tự do và thảm hại với tất cả các cấp độ, khi ấy chúng ta sẽ thật sự chia sẻ và dễ dàng tiếp xúc với những ý tưởng dồi dào gợi ra từ tác phẩm này, dẫu vẫn thấy có những khác biệt không nhỏ về cách tiếp thu, nhìn nhận giữa Đông – Tây.

Các-Mac từng có một cách ngôn nổi tiếng: Không có gì thuộc về con người lại xa lạ đối với tôi. Trên tinh thần này chúng ta có thể cắt nghĩa thêm vì sao Hạt cơ bản được bạn đọc ở nhiều quốc gia quan tâm, chào đón, và thực sự trở thành một hiện tượng trên văn đàn thế giới những năm gần đây. Phải chăng bi kịch cá nhân vẫn đang hiện hữu ở nhiều nơi trên trái đất này?

 

Dịch giả Cao Việt Dũng


Hạt Cơ Bản -Tiểu thuyết
(Thứ Sáu, 29/12/2006)

Hạt cơ bản – bài ca trúc trắc về hành tinh cô đơn

TT – Cư dân mạng từ lâu đã xôn xao bàn tán về Hạt cơ bản. Càng bàn nhiều hơn khi bản tiếng Việt của dịch giả trẻ Cao Việt Dũng được truyền rộng rãi trong những người mê sách.

Cái tên đầy mùi vị khoa học không cản được sự háo hức của những “kẻ nghiện sách” trước một tên tuổi lớn: Michel Houellebecq.

Và khi Hạt cơ bản được chính thức phát hành, một cảm giác “cầm thật nặng tay và đọc lại thật đã” khiến nhà thơ Nguyễn Chí Hoan rất muốn chia sẻ với bạn đọc.

– Đừng sợ, tôi rất muốn nói với mọi người như vậy. Cái tên sách khô khan, những “mặc cảm” về thứ văn chương hậu hiện đại khó đọc, khó vào, những lý thuyết về hạt cơ bản được đưa vào tiểu thuyết một cách dày đặc và có hệ thống mà ngay cả dân làm khoa học cũng đôi lúc cảm thấy khó hiểu… tất cả chỉ làm cho Hạt cơ bản hấp dẫn hơn nếu ta cứ đọc nó một cách bình thản, đầu tiên chỉ là để “đọc lấy chuyện” thôi đã.

Câu chuyện của hai anh em cùng mẹ khác cha, Bruno và Michel, một kẻ đam mê tình dục đến mù quáng, một người dịu dàng và luôn hướng tới lối sống đạo đức (đạo đức theo triết lý của riêng mình – một nhà khoa học cô đơn đi trước thời đại) thật sự là rất hấp dẫn. Tuổi thơ của họ, khoảnh khắc dậy thì của họ, phút yêu đương đầu tiên của họ, nỗi buồn của họ, những người đàn bà của mỗi người… đủ tạo thành một câu chuyện nhiều cung bậc và không thể làm người ta chán.

* Nhưng thưa anh, cảm giác mệt mỏi khi trải qua những trường đoạn liên tiếp mô tả các trạng thái tình dục (nhất là của Bruno) là không thể tránh khỏi, kể cả với những người đọc “cứng bóng vía” nhất?

– Đúng. Mệt mỏi và chán nản. Đó chính là ý đồ của tác giả. Ông ta đã cố tình miêu tả tình dục như thế. Ông ta muốn độc giả nhìn như thế về cuộc cách mạng tình dục những năm 1960 – 1970 ở phương Tây. Ông đã làm cho nó trở nên lạnh lẽo, thô kệch, thậm chí nhem nhuốc, không còn chút gì là hấp dẫn. Đúng như Michel Djerzinski -nhân vật chính – đã nói : “Tình dục đã trở nên thảm hại”.

Nó cũng không còn đơn thuần là chuyện mỉa mai chua chát về cuộc cách mạng tình dục 1968, mà tràn ngập một ý tưởng chủ đạo: nền văn minh phương Tây xuống dốc từ cách mạng tình dục mà cứ tưởng mình đang làm cách mạng giải phóng con người cá nhân. Với hình tượng Bruno và tất cả những cái gọi là trạng thái tình dục mà anh ta trải qua, Houellebecq chỉ ra sự trống rỗng bế tắc trong việc thỏa mãn tình dục một cách quá đáng, ông đã hạ bệ tình dục như một huyền thoại cuối cùng của lối sống phương Tây.

* Có gì hơn nữa ngoài sự phê phán và mỉa mai tình dục, thưa anh? Cái mà người ta nói là làm nên “tầm vóc lớn” của Michel Houellebecq?

– Đó là giấc mơ về sự sáng tạo ra một “nhân loại” mới. Nhà khoa học dịu dàng Michel Djerzinski đã luôn mơ ước tạo ra được giống người mới, giống người khao khát tình yêu và không còn cô đơn. Và ở thì tương lai, năm 2029, anh và những đồng sự có chung hoài bão của mình đã thành công, dù lúc đó Michel đã chết được 20 năm. Hạt cơ bản do vậy cũng là một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đầy chất thơ.

Bài thơ ấy dù trúc trắc gập ghềnh vẫn là những lời ca tuyệt diệu về hành tinh cô đơn mà chúng ta đang sống. Những trang tả giấc mơ của Michel là những trang đẹp nhất trong cuốn sách, nó đẹp đến ứa nước mắt.

Không phải ngẫu nhiên mà khi kết thúc tác phẩm, nhà văn đã “đứng hẳn sang một bên” để tự bạch: “Tham vọng lớn nhất của quyển sách này là vinh danh cái giống loài bất hạnh và can đảm đã tạo ra chúng ta. Loài người khổ đau và xấu xí đó, chỉ hơi khác con khỉ một chút, dù sao cũng mang trong mình rất nhiều đặc điểm cao quí. Cái giống loài bị hành hạ, mâu thuẫn, cá nhân chủ nghĩa và hiếu chiến đó, với tính ích kỷ vô hạn, đôi khi có khả năng bùng nổ bạo lực kinh người, lại không ngừng tin vào lòng tốt và tình yêu”.

THU HÀ thực hiện

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


Hạt Cơ Bản -Tiểu thuyết

Tác phẩm Hạt cơ bản của Michel Houellebecq

(SGGP Ngày 14/01/2007)

Hạt cơ bản (1998) là tiểu thuyết đưa nhà văn Pháp Michel Houellebecq trở thành một trong những gương mặt nổi bật của văn học Pháp trong mười năm trở lại đây. Với lối viết thô thẳng và gay gắt, cuốn sách táo tợn này đã làm rung chuyển cả thế giới văn chương.

Sinh năm 1958, Michel Houellebecq thuộc thế hệ phải đối đầu với những sợ hãi mà cuộc sống hiện đại và sự cô đơn nhân bản mang đến.

Những chủ đề gây tranh cãi cùng với nỗi ám ảnh phải giải thích và đặt tên cho chúng chính là điều làm cho tiểu thuyết được biết đến như một cuốn sách của quỷ dữ.

Muốn quẳng đi song lại bị cuốn hút, độc giả càng bất ngờ với cách giải quyết mà tác giả đưa ra bằng thứ ngôn từ cay độc: loài người biến mất, nhường chỗ cho một giống loài mới.

Nhân dịp cuốn Hạt cơ bản của Michel Houellebecq vừa được dịch sang tiếng Việt, L’Espace tổ chức buổi hội thảo giới thiệu tác phẩm, với sự tham gia của Dương Tường, nhà phê bình văn học, Nicolas Stedman, dịch giả và Cao Việt Dũng, người dịch cuốn tiểu thuyết sang tiếng Việt.

HÀ THÀNH

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


Bóng Ma Ở Lexington – Tuyển Tập Truyện Ngắn
(VTV Ngày 01/11/2007)

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


Lãng Du Trong Văn Hoá Việt Nam

(Ngày 16/11/2007)
Đọc “Lãng du trong văn hoá Việt Nam” (*): Một cuốn nhật ký văn hoá dân tộc

Có thể xem như đây là một cuốn nhật ký về văn hóa dân tộc, trong đó có những bức tranh đa diện về đất nước, con người Việt Nam. Với một lối văn mộc không son phấn, văn hoá Việt Nam được nhà văn hoá Hữu Ngọc phác hoạ một cách sắc nét qua những dòng ký sự đặc biệt lôi cuốn người đọc.

Từng bước, ông dẫn dắt người đọc dọc theo chiều dài của đất nước “lãng du” vào Lam Kinh của triều Lê. Rồi quay ra làng Nhị Khê, thăm quê hương Nguyễn Trãi. Xuống La Xuyên xem đồ gỗ chạm khắc tinh vi. Đến Vạn Phúc hỏi về nghề dệt lụa Hà Đông. Sang vùng Kinh Bắc nghe hát quan họ. Về xứ Đoài viếng mộ Tản Đà. Trở lại chiến khu xưa Định Hóa, bồi hồi nhớ bao kỷ niệm. Lên vùng Tây Bắc xa xôi như Lào Cai thưởng thức bài hát đưa ma của người Mông Sapa, nếm trải hương vị của núi rừng Tây Bắc. Về tận Cao Bằng, thăm xứ sở người Tày, tìm hiểu hội xuống đồng của họ. Qua Lạng Sơn ăn món khau nhục, nghe điệu hát sli của người Nùng. Ngược Sơn La tìm hiểu tục ngữ Thái. Đến Mường Tè trò chuyện với người La Hú… Lang thang vào Ninh Thuận xem đồ gốm Chăm thô ráp, nghe câu đố Chăm ý nhị.

Bên cạnh đó, lịch sử – truyền thống của người Việt cũng được ông thu nhỏ qua từng bài viết của mình theo từng nét thăng trầm của lịch sử. Ông “hình dung” về một địa danh, “ nghe” tiếng gà gáy từ 700 năm trước, tiếng nói của bia cổ, quốc văn giáo khoa thư; đến những nhận định về Hồ Chí Minh, “hiện tượng” Đặng Thùy Trâm, ý thức bảo tồn văn hoá, cái nhìn của một sử gia Pháp về văn hóa Việt… Từ đời sống cộng đồng ông đưa chúng ta về với gia đình, những quan hệ vợ chồng, quan hệ hôn nhân, con cái, họ hàng, anh em trong dòng tộc đến những mối quan hệ thầy trò, bạn bè…

Nhà văn hóa Hữu Ngọc sinh năm 1918 tại Hà Nội, nguyên là Trưởng ban giáo dục tù hàng binh Âu – Phi trong kháng chiến chống Pháp. Sau năm 1954, ông có dịp đi công tác, hội thảo ở nhiều nước trên thế giới, đem tiếng nói chính nghĩa, yêu hoà bình của dân tộc Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, làm cho họ hiểu đất nước và nền văn hóa của Việt Nam hơn.

Để giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, ông viết đều đặn hơn chục năm trời mục “Mạn đàm truyền thống” cho Le Courrier Viet Nam (tiếng Pháp) và Vietnam News (tiếng Anh). Bài viết của ông đã được tập hợp thành một cuốn sách quý với tựa đề là “Phác thảo chân dung văn hóa Việt Nam” bằng hai thứ tiếng Anh và Pháp. Cuốn sách được dùng làm món quà tặng các nguyên thủ quốc gia đến tham dự Hội nghị các nước có sử dụng tiếng Pháp lần thứ 7 tại Hà Nội năm 1997. Từ đó đến nay ông vẫn tiếp tục viết để tập hợp thành một bộ sách lớn, dày hơn 1.000 trang với tên mới “Lãng du trong văn hóa Việt Nam”, tập hợp những bài báo ông viết cho tờ Vietnam News số chủ nhật suốt 13 năm nay, đã được một số trường ĐH của Mỹ dùng làm tài liệu tham khảo.

N.Th

Xem thêm nhiều hơn Thu gọn


 
Mua ở đâu?