Ngày 16/5/1961, Tướng Park Chung Hee tiến hành một cuộc đảo chính quân sự, chính thức nắm quyền ở Hàn Quốc và trở thành người nắm giữ vị trí đứng đầu đất nước lâu nhất trong lịch sử Hàn Quốc hiện đại. Cuộc đảo chính của Park Chung Hee thành công đã kết liễu chế độ dân chủ đại nghị và đặt cơ sở cho sự xác lập và hoạt động của một mô hình quản lý xã hội mới, đồng thời thiết lập nên “Kỷ nguyên Park Chung Hee” (1961-1979). Qua đánh giá của các chính khách cũng như các học giả, Park Chung Hee là người lạnh lùng, có năng lực nhưng rất độc tài và chuyên chế. Chế độ độc tài Park Chung Hee được gọi là chế độ “Độc tài phát triển” (Developmental Dictatorship), là chế độ chính trị xác lập nhằm đảm bảo sự ổn định chính trị để tiến hành thành công hiện đại hóa kinh tế. Có nhiều nhận định trái ngược nhau về vai trò và sự lãnh đạo của Park Chung Hee trong thời gian ông nắm quyền tổng thống Hàn Quốc.
Trong quá trình cầm quyền, Park Chung Hee đã thiết lập ở Hàn Quốc một chế độ độc tài quân sự mang tính chất chuyên chế, độc đoán, phi dân chủ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thời kỳ cầm quyền “độc tài” của Park Chung Hee đã trở thành nền tảng của kinh tế Hàn Quốc ngày nay. Chính sự thâu tóm quyền lực đã giúp Park Chung Hee có thể đưa ra những quyết sách tập trung cho sự phát triển đất nước, góp phần định hướng cho sự phát triển của xã hội Hàn Quốc về sau, đó là con đường quá độ lên chủ nghĩa tư bản hiện đại. Bên cạnh giáo dục được xem như quốc sách hàng đầu, có hai chính sách nổi trội khác cần phải kể đến là chương trình Saemaul (phong trào Cộng đồng mới) nhằm canh tân nông thôn và chính sách ưu đãi dành cho các Chaebol nhằm tạo ra những quả đấm thép để phát triển nền công nghiệp Hàn Quốc. Tuy nhiên, cốt lõi của những thành công của Park Chung Hee là việc tập trung phát triển tối đa nội lực con người để làm tiền đề cho sự thay đổi về các phương diện khác. Hiện nay, Hàn Quốc đã là một nền kinh tế phát triển cao, đời sống vật chất và tinh thần của người dân phát triển. Để đạt được tất cả những thành tựu đó không thể không nhắc tới những đóng góp to lớn của chế độ độc tài Park Chung Hee, đặc biệt là những chính sách phát triển kinh tế của ông trong giai đoạn đầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa ở Hàn Quốc. Có thể nói, việc tham chiếu quá trình hiện đại hóa của Hàn Quốc thời kỳ Park Chung Hee sẽ giúp chúng ta rút ra được những bài học quý báu cho công cuộc xây dựng và phát triển Việt Nam hiện nay.
Mời bạn đón đọc!