Giáo dục ngôn ngữ cho trẻ mầm non là giáo dục tích hợp 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ đã có khả năng lĩnh hội ngôn ngữ một cách tự nhiên trong khi giao tiếp với người lớn. Khả năng lĩnh hội ngôn ngữ bẩm sinh này sẽ được tiếp tục phát triển và hoàn thiện nhờ vào quá trình giáo dục hệ thống của người lớn, đặc biệt là giáo viên mầm non. Theo J. Dewey – nhà triết học đồng thời là nhà tâm lý học người Mỹ cho rằng “Giáo dục không phải là sự chuẩn bị cho tương lai mà giáo dục chính là cuộc sống sinh hoạt. Trẻ học tập thông qua kinh nghiệm của bản thân”. Vì thế, muốn giáo dục ngôn ngữ cho trẻ mầm non đạt hiệu quả, người lớn cần để cho quá trình học tập ngôn ngữ của trẻ được diễn ra trong các tình huống có ý nghĩa thông qua kinh nghiệm ngôn ngữ của trẻ được hình thành trong hoạt động hàng ngày. Người lớn đóng vai trò là người hướng dẫn, người đề xuất, bạn học cùng trẻ để giúp trẻ học tập ngôn ngữ.
“Quyển sách có thể trở thành thách thức với những ai muốn đọc và dùng lập tức, nhưng sẽ trở nên lý thú với những ai muốn hiểu về ngôn ngữ, cơ chế phát triển ngôn ngữ và cách thức phát triển ngôn ngữ cho trẻ em trong một tiến trình khoa học nhưng đảm bảo tự nhiên… Chúng ta sẽ tìm thấy sự tương đồng trong suy nghĩ – tư duy và cả cảm xúc khi nhận ra những “ sự tiếp nhận ngôn ngữ bằng xúc cảm” nếu biết đây là một trong những lĩnh vực cần lắm sự hiểu biết liên ngành: Ngôn ngữ học, Tâm lý học, Giáo dục học. Đặc biệt, Tâm lý học ngôn ngữ và Giáo dục ngôn ngữ sẽ cần lắm những quyển sách thế này như bước khởi đầu khám phá.” (PGS.TS – Huỳnh Văn Sơn)
Mời bạn đón đọc.