Có những cuộc chiến khép lại mà người chiến thắng cảm thấy trống rỗng, buồn tênh vì kẻ thất bại là… người bạn đời của mình. Trái đất ngày càng nóng dần lên, nhưng vẫn không đủ sưởi ấm cho nhiều gia đình. Lòng người thì nguội lạnh mà họ lại dễ nóng nảy, gây chiến với nhau…
“Giải Pháp Cho Cuộc Chiến Tình Cảm” của tác giả Trường Sơn. Tập sách là cách thức chị trò chuyện về những phát hiện của chị trong thực tiễn, không có ý răn dạy khuyên bảo ai cả. Chị không làm mất thì giờ vào lối mòn: các câu chuyện cụ thể rất mới, dù rằng hôn nhân – tình yêu là “qui luật muôn thuở” có vẻ định hình rồi. Các quy luật của tình yêu thương và trách nhiệm, các đòi hỏi về đạo đức nhân cách thì ai cũng đựơc nghe từ khắp nơi, nhưng đọc sách của Trường Sơn thấy được bức tranh của hiện thực mới. Tình yêu có song hành cùng sự nghiệp? Bạn có biết lắng nghe trong tình yêu? Tâm trí chúng ta cần được “dọn dẹp” thế nào? “Cuộc chiến” trong gia đình thời hiện đại có bộ mặt ra sao? Có thể thay đổi cách sống bớt bi kịch được không? Tình yêu say đắm rồi nó biến đi theo ngả nào? Cái giá của hạnh phúc và khổ đau, các câu chuyện bực mình, sự phê phán, niềm hạnh phúc hay bất hạnh của sự nương dựa, “yêu ảo”… Tất cả nội dung này được cảm nhận và suy nghĩ quanh các câu chuyện của gia đình hiện đại một cách xác đáng và thuyết phục.
“Bàn đến sự bình đẳng giới nói chung và trong phạm vi gia đình là một điều… gian nan. Bởi khá nhiều bà vợ thường hay hỏi ngược lại: “Bình đẳng có thật sự là một yếu tố mang lại hạnh phúc lứa đôi?” Dường như các bà hay dè dặt liếc mắt về phía ông chồng để xem các ông phản ứng thế nào? Một số thì “rối loạn” vì không biết mình có bình đẳng không? Trong một cuộc phỏng vấn của Trung tâm nghiên cứu về giới – Viện Khoa học xã hội Nam Bộ, rất nhiều phụ nữ, dù đã rất tự lập, có địa vị xã hội, “dị ứng” với kiểu “ở nhà chồng nuôi” như thời xưa, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn họ vẫn muốn “nương tựa” vào ông xã…
Các cuộc chiến trong gia đình luôn song hành với đau khổ. Người thắng, kẻ bại điều có nỗi khổ riêng. Vì sao vợ chồng muốn cải tạo nhau, muốn kiểm soát nhau, bởi vì họ sống với sự sở hữu: “Đó là chồng của tôi, vợ của tôi, con của tôi”. Không ai hạnh phúc bằng những người đàn bà được làm vợ, làm mẹ, nhưng cũng không ai khóc nhiều bằng họ. Sự gắn kết quá chặt chẽ với chồng con, khiến họ không còn gì để sống khi người thân không còn bên cạnh. Họ đồng hoá giữa tình yêu và sở hữu. Có hai từ được sử dụng nhiều nhất trong đời người là TÔI và CỦA TÔI. Tất nhiên, không ai đi gây hấn với hàng xóm…” (Những cuộc chiến trong gia đình)
Mời bạn đón đọc.