Năm 1998, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành TW khóa VIII ra Nghị quyết Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xác định “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội”.
Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương khóa XI cũng tiếp tục ban hành nghị quyết mới về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết chỉ rõ phải tiếp tục kế thừa, bổ sung, phát triển những quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa đã được nêu trong Nghị quyết TW 5 khóa VIII. Hội nghị xác định “nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với những đặc trưng tiêu biểu là dân tộc, nhân văn, dân chủ, và khoa học”, và “trong xây dựng văn hóa phải lấy xây dựng, phát triển con người có nhân cách, đạo đức, có lối sống tốt đẹp làm trọng tâm; xây dựng môi trường văn hóa (gia đình, cộng đồng và xã hội) lành mạnh làm cốt lõi”.
Nhằm giúp cho bạn đọc hiểu sâu sắc thêm tinh thần Nghị quyết TTW 9 khóa XI, Nhà xuất bản CTQG đã xuất bản cuốn sách “Giá trị văn hóa Việt Nam – truyền thống và biến đổi” do GS,TS. Ngô Đức Thịnh làm chủ biên. Trong cuốn sách các tác giả không chỉ nhìn nhận văn hóa Việt Nam trong dòng chảy lịch sử dân tộc mà còn đặt trong bối cảnh không gian văn hóa thế giới. Bên cạnh việc thống kê và phân tích những giá trị văn hóa đặc trưng của cả dân tộc cũng như của mỗi vùng miền, cuốn sách cũng luận giải: bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập và toàn cầu hóa, hệ giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam cũng có nhiều biến đổi để phù hợp với hoàn cảnh mới, nhưng ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào, các giá trị văn hóa yêu nước, đoàn kết vẫn giữ nguyên vị trí đứng đầu trong quan niệm của người dân bởi đó là những giá trị căn cốt, độc đáo, là tinh hoa của bản sắc dân tộc Việt Nam. Con người Việt Nam – chủ thể của quá trình biến đổi văn hóa không chỉ tiếp thu hững giá trị ưu việt của văn hóa nhân loại mà còn gìn giữ, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời gạt bỏ những nhận thức lệch lạc, những yếu tố phản giá trị trong đời sống văn hóa để hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.
Bố cục sách được chia thành bảy chương, bao gồm:
– Chương I: Tình hình nghiên cứu và một số vấn đề lý luận về giá trị văn hóa
– Chương II: Hệ giá trị văn hóa tổng quát truyền thống Việt Nam
– Chương III: Giá trị văn hóa trong một số lĩnh vực của đời sống vật chất
– Chương IV: Giá trị văn hóa trong một số lĩnh vực đời sống xã hội, chính trị
– Chương V: Một số giá trị văn hóa trong đời sống tinh thần truyền thống
– Chương VI: Thực trạng biến đổi hệ giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh đổi mới và hội nhập
– Chương VII: Bảo tồn, làm giàu và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đổi mới và hội nhập.
Mời bạn đón đọc.