Nếu Dostoyevsky tiếp tục trở thành một nhà văn, như Shakespeare, làm thay đổi nhận thức của chúng ta về con người, thì góc nhìn mới mẻ này bắt đầu trỗi dậy chính ở trong Bút ký dưới hầm, và nếu xem xét kỹ, chúng ta có thể thấy khám phá của ông vĩ đại như thế nào. Thất bại và bất hạnh đã khiến Dostoyevsky ở cách rất xa những người chiến thắng tự mãn và thế giới tinh thần của những kẻ kiêu hãnh, và ông bắt đầu cảm thấy giận dữ trước các trí thức phương Tây coi thường nước Nga. Nhưng dù muốn tranh cãi với khuynh hướng Tây hóa, ông vẫn là một sản phẩm của nền giáo dục và nuôi dưỡng theo kiểu phương Tây và vẫn thực hành một nghệ thuật phương Tây, nghệ thuật tiểu thuyết. Bút ký dưới hầm được sinh ra từ khao khát muốn viết một câu chuyện trong đó nhân vật đi qua mọi trạng thái tinh thần và ý thức, hoặc một mong ước khẩn thiết sáng tạo ra một nhân vật và một thế giới có thể giữ mọi mâu thuẫn này với nhau một cách thuyết phục.
Khi thoạt tiên ngồi xuống viết, tác giả không biết tác phẩm của mình sẽ dẫn đến đâu. Nhưng nếu ngày nay chúng ta chấp nhận rằng muốn đón nhận cái mùi của mình, rác rưởi của mình, thất bại của mình, nỗi đau của mình cũng là chuyện có thể xảy ra – nếu ta hiểu rằng việc thích bị hạ nhục cũng hợp logic – thì tức là chúng ta mắc nợ Bút ký dưới hầm. Chính từ sự lẫn lộn yêu ghét u ám và đọa đày của Dostoyevsky – sự gần gũi của ông với tư tưởng châu Âu và sự giận dữ của ông đối với tư tưởng ấy, những khao khát ngang bằng và đối lập nhau vừa muốn thuộc về châu Âu vừa chối từ nó – mà tiểu thuyết hiện đại tìm ra nguồn sáng tạo; và thật khuây khỏa biết bao khi nhớ chuyện là như thế.” (Orhan Pamuk, Những màu khác, Lâm Vũ Thao dịch, Nxb Văn học, 2013)
Mời bạn đón đọc.