Kiệt tác Gatsby vĩ đại (1925) của văn hào Mỹ F. Scott Fitzgerald (1896-1940) là câu chuyện về chàng trai Jay Gatsby muốn thoát khỏi thân phận nghèo hèn và đặt chân vào tầng lớp cao sang mà hiện thân là một cô gái nhà giàu anh đã yêu và được yêu khi còn khoác trên vai bộ quân phục. Mối tình mãnh liệt và mê muội của Gatsby được kể lại vối một lối văn cực kỳ súc tích, đa tầng. T. S. Eliot, nhà văn gốc Mỹ đương thời với Fitzgerald – Giải thưởng Nobel về văn học năm 1948, kể lại trong thư viết cho tác giả, ông đã phải đọc đi đọc lại tác phẩm ba lần trong năm 1925. Fitzgerald đã vẽ ra một trong bức tranh cô đọng nhất, sâu sắc và giàu biểu tượng nhất về xã hội Mỹ trong những năm 1920 với đủ các mặt tàn nhẫn, giả dối, bịp bợm và ích kỷ của nó.
Kiệt tác văn chương này ẩn chứa những ước vọng và cả những mâu thuẫn thường trực trong tâm hồn con người Mỹ. Tác giả đã phơi bày một cách ngậm ngùi, đau xót sự tan vỡ của những mộng tưởng ở nước Mỹ, mặt giả dối, hư trá của Giấc mơ Mỹ từng được nhen nhóm và nuôi dưỡng ở những người định cư đầu tiên của vùng đất “Tân thế giới”.
Không được độc giả đương thời nồng nhiệt đón nhận mà phải đợi đến 20 năm sau, khi Fitzgerald đã qua đời 5 năm, Gatsby vĩ đại mới được công chúng Mỹ cũng như các nước trên thế giới hoan nghênh như một tác phẩm kinh điển của văn học Mỹ. Cuốn sách được bình chọn là một trong “10 tác phẩm lớn nhất của mọi thời đại” do tạp chí Time tổ chức, đứng thứ hai trong danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20 của Modern Library, đưa vào giảng dạy tại các trường trung học và đại học ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới.
Gatsby vĩ đại cũng được đưa lên màn ảnh nhiều lần với cùng tiêu đề. Bản chuyển thể thành công và trung thành với nguyên tác nhất là bộ phim của đạo diễn Jack Clayton thực hiện năm 1974 với các diễn viên Robert Redford và Mia Farrow, được 2 giải Oscar. Với bộ phim chuyển thể năm 2013 của đạo diễn Baz Luhrmann, dư luận cho rằng diễn viên Leo DiCaprio đã không thể hiện được con người Gatsby như hình dung của tác giả và phần lớn độc giả.
Mời bạn đón đọc.