Hóa ra không phải, như một lời thoại trong phim Sad Boléro: "Cuộc đời con người chỉ có vài ba nỗi đau nhưng chúng lặp đi lặp lại nhiều lần và lần nào cũng đều đau thắt lòng y như lần đầu tiên". Tôi cứ tự an ủi mình bằng hai chữ "cơ duyên" mặc dù cũng không mấy tin tưởng vào nó, rằng nếu thực sự chúng tôi là duyên phận của nhau thì dù đi cuối đất cùng trời, rồi cũng sẽ có một ngày gặp lại.
Giữa những ngày tâm trạng đang chơi vơi như cơn gió bấc rảo qua trước hiên nhà, tôi bắt gặp Duyên kỳ ngộ. Đã bao lâu rồi nhỉ, kể từ lần cuối tôi chọn truyện chỉ dựa vào tên sách? Vì thích tác giả, vì cái tên sách rất đúng tâm trạng nên chẳng hề chần chừ mà mua luôn cả bộ, mặc dù truyện này thuộc thể loại xuyên không – tức là nhân vật vượt thời gian đến một thời đại khác, mà tôi, với tư duy thực tế của mình thì chẳng mấy khi chấp nhận điều phi lý này.
Tôi gọi Trang Trang là tác giả của những điều bất ngờ vì cô thường xây dựng nhân vật không theo mô-típ phổ biến và Duyên kỳ ngộ cũng vậy. Trình Tinh sớm nọ thức dậy, bỗng thấy mình đang ở trong thân xác của một đứa trẻ, giữa một thời đại xa lạ, không hề có trong lịch sử. 21 tuổi, là sinh viên năm thứ tư, cô đủ thông minh để nhanh chóng hiểu ra thân phận của mình, từ đó xác định lối sống và cách thức tồn tại cho phù hợp. Thân phận mới của cô là Thanh La – con của vợ bé, bị cha thất sủng, chưa kể còn bị sáu vị phu nhân ghen ghét, đố kị khiến cuộc sống của hai mẹ con rất chật vật.
Cả cuộc đời, Thanh La được ba người đàn ông đem lòng yêu thương hết mực, ai cũng đều ngọc thụ lâm phong, địa vị cao vời. Nhưng tình cảm của họ, một lần nữa khiến tôi thấu hiểu, yêu là phải biết hy sinh. Cô gái nào gặp được một người đàn ông chấp nhận hy sinh vì mình thực sự đã rất may mắn, Thanh La tao ngộ ba người nhưng dường như điều gì quá cũng không tốt, số phận nàng cứ thế nổi trôi giữa cuộc chiến tranh giành quyền lực chốn thâm cung. Ngôi vị đế vương Ninh quốc đã có chủ, cứ tưởng rằng từ nay nàng sẽ được yên ổn dù rằng không hạnh phúc, ngờ đâu hết nạn nọ đến họa kia, nàng lại bị cuốn vào cuộc chiến thống nhất ngũ quốc. Tình yêu không có tội, ai cũng đều thân bất vô kỷ, thế mà vẫn khiến người ta day dứt và trăn trở thật nhiều.
Ba người đàn ông, một là tiểu vương gia ương ngạnh, bốc đồng, tìm đủ mọi cách ép duyên, đổi lại là sự chạy trốn của nàng. Ba năm trời chàng mòn mỏi trông đợi, mỗi mùa đông đều ủ ấm để loài hoa hải đường nàng yêu thích có thể khoe sắc giữa trời tuyết bay, sẵn sàng hy sinh tất thảy, chỉ cần nàng được bình an sống sót. Để rồi lại hối hận, tìm cách đưa nàng cao chạy xa bay đến chốn bồng lai tiên cảnh, dù rằng biết sẽ không thoát khỏi tầm mắt đế vương, nhưng mười ngày đó, chàng đã sống cho hạnh phúc cả đời mình.
Một người là hoàng tử nuôi mộng đế vương, với ai cũng nhẹ nhàng, ân cần nhưng chẳng hề thật tâm, chỉ duy có nàng mới lột bỏ được lớp mặt nạ ấy của chàng. Vì nhớ thương Thanh La, suốt ba năm, ngày nào chàng cũng uống canh cải, những mong tìm lại được hương vị của bát canh nàng nấu cho chàng thuở nào. Đã có cơ hội được giữ nàng bên mình suốt đời nhưng chàng thà chịu hình phạt long biện còn hơn là lợi dụng để ép nàng như thế. Có được người nhưng người không yêu ta, hay để người ra đi và giữ lại cho ta chút trân trọng trong lòng người, lựa chọn nào cũng đớn đau. Tôi thấy lòng mình tê tái mỗi khi Tử Ly xuất hiện sau khi Thanh La đã rời xa, nghe gió lay ngỡ tiếng nàng nói, nhìn trăng soi tưởng bóng nàng về.
Người còn lại là một vương tử mưu mô xảo quyệt, thế mà chỉ một nụ cười mỹ nhân đã khiến chàng rơi vào bể tình. Để rồi vì nàng, chàng chắn gió, che sương, vì nàng mà mất cả thành trì, vì nàng mà bỏ mạng nơi rừng thẳm. Đổi lại chàng được gì, chỉ là những giọt nước mắt nàng khóc cho chàng phút lâm chung, là nỗi xót xa của Thanh La cho một con người ban đầu thì lợi dụng và ép buộc mình, về sau lại che chở và hy sinh cho mình nhiều đến thế, đến cả tính mạng cũng không màng. Đây là nhân vật khiến tôi ấn tượng nhất, không thể kìm được nghẹn ngào khi thấy lời chàng trăn trối: "Công chúa đã… khóc vì ta, vậy là ta đã… mãn nguyện".
Điểm mà tôi luôn hài lòng trong những tác phẩm của Trang Trang là nhân vật phụ luôn được nương tay, xây dựng đặc sắc, khiến người ta chỉ thấy vừa giận, vừa thương mà chẳng hề khinh ghét được. Thái tử phi tài hoa, mưu trí, say mê quyền lực và danh vọng, thế nhưng tất cả lại chỉ vì muốn được đứng bên người mà nàng coi là tri kỷ. Bi kịch của nàng là đã có những tư tưởng vượt thời đại của mình, muốn được sánh vai với những đấng tu mi nam tử, nhưng giữa xã hội phong kiến thì điều đó chỉ khiến nàng chuốc lấy kết cục thương đau.
Còn có một Lý Thanh Lôi kiêu kỳ, nhỏ nhen, ấp ủ một khát vọng rất phụ nữ là được vui vầy yên ổn bên chồng con, thế mà cuộc đời xô đẩy khiến ước mơ đơn sơ đó cũng chẳng thể thành toàn. Không thể không kể đến Cố Thiên Lâm – Tứ vương phi tài hoa, hiền thục, cô độc trong lầu son gác tía, mòn mỏi ngóng đợi phu quân qua bao năm dài tháng rộng. Có những khi họ vì bản thân mà làm hại người khác, lầm lỗi đó chỉ khiến người ta tội nghiệp, số phận đàn bà thì quá phụ thuộc, trăm phương nghìn kế cầu mong hai chữ "ái tình", thế mà vẫn cứ dang dở, dở dang.
Gần 900 trang sách, tình tiết nhiều mà không rối, nhân vật đa dạng nhưng mỗi người đều có nét đặc sắc riêng, đủ để người đọc có thể hình dung rõ ràng. Xuyên không – ngay từ cái tên thể loại đã biết là tác giả phải hư cấu hoàn toàn, dù vậy, có là giả tưởng thì vẫn cần phải logic. Có thể do tôi vốn là dân tự nhiên nên luôn thích những thứ rành mạch và hợp lý nhưng thật sự tôi không thể chấp nhận được những nhân vật xuyên không mà cứ đi ba bước thì giảng tự do dân chủ, đi năm bước lại kêu gào nam nữ bình quyền, thế mà bắt người khác hầu hạ nhường nhịn thì lại chẳng thấy áy náy gì, coi đó là điều hiển nhiên.
Tôi gọi Duyên kỳ ngộ là cổ tích cho những tơ duyên chưa thành vì ngoại trừ tình yêu của Vương Yến Hồi và của Tử Ly thì hầu hết những mối tình còn lại đều được vẹn tròn sau rất nhiều trắc trở. Một câu chuyện có cái kết đẹp đủ để những lứa đôi lận đận thêm hy vọng vào một ngày mai tươi sáng. Nó khiến tôi thêm niềm tin để bước tiếp qua những ngày tháng thênh thang.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn