Cuốn sách mang tên chung là Đường sống – cái tên rất giàu ý nghĩa. Lev Tolstoi là người kiên trì theo đuổi học thuyết của mình, mà học thuyết đó, theo ông là một con đường sống cho sự phát triển của nhân loại. Học thuyết mà Lev Tolstoi theo đuổi và coi là con đường sống, khác với những con đường khác. Đường sống cũng là tác phẩm cuối cùng của Tolstoi, ra mắt độc giả sau khi ông đã qua đời. Đây là cuốn sách rất dày, tập hợp những danh ngôn, những châm ngôn của các hiền triết, các triết gia, các nhà tư tưởng lớn của thế giới, nói về tất cả các phương diện của cuộc sống, các lĩnh vực của cuộc sống, về đạo đức, về giáo dục, về tín ngưỡng, v.v… chia thành 32 chương, trong đây có một chương mà tám phần mười những châm ngôn đó là của Tolstoi, ông không ghi tên tác giả. Đó là lí do cuốn sách mang tên Đường sống, nhân dịp năm nay chúng ta kỉ niệm 100 năm ngày mất của nhà văn hoá Nga Lev Tolstoi, và đây là tác phẩm cuối cùng Lev Tolstoi để lại cho loài người. Tác phẩm này, theo nhà nghiên cứu Phạm Vĩnh Cư, ngay ở Nga cũng không mấy người biết đến.
Về kết cấu cuốn sách, ban đầu, chúng tôi dự định chỉ giới thiệu một số tác phẩm nghị luận của Tolstoi. Nhưng sau đó, chúng tôi thấy thế thì không đủ, bởi vì Tolstoi không những là bậc thầy về văn nghị luận, mà ông là bậc thầy siêu đẳng của nghệ thuật thư từ. Đọc thư của ông nhiều khi thích hơn đọc văn của ông nhiều. Thư của ông sống động đến mức độ ta hình dung được ngay con người của ông. Trong kho lưu trữ của Tolstoi ở Moscow, hiện đang giữ hơn một vạn bức thư của Tolstoi và hơn năm vạn bức thư thập phương gửi đến cho ông, mà ông có trả lời hơn một vạn bức. Toàn bộ thư từ của Tolstoi được in trong Tổng tập Tolstoi, chiếm 31 tập trong 90 tập. Còn những thư từ của những người khác gửi Tolstoi thì lại được in rất rải rác, phải biết cách tìm mới tìm được ra. Nên chúng tôi thấy cần phải giới thiệu cả phần thư từ của Tolstoi để người đọc qua tiếp cận thư từ của Tolstoi sẽ hình dung được rõ hơn con người của ông, khí chất, tính khí của ông, những thiện cảm, ác cảm của ông; con người ông thể hiện qua thư từ rất rõ. Đặc biệt, Tolstoi rất gắn bó với Phương Đông, qua một con người đặc biệt của Phương Đông là Mahatma Gandhi – Thánh Gandhi, và chúng tôi biết một bộ sưu tập những thư từ giữa Tolstoi và Gandhi, nên cũng cố tìm bằng được bộ sưu tập đấy, và trong cuốn sách này có thể thấy toàn bộ thư từ giữa Tolstoi và Gandhi, bấy giờ Tolstoi đã là vĩ nhân, còn Gandhi thì trên thế giới này chưa ai biết đến, nhưng Gandhi đã tiếp thu tư tưởng của Tolstoi, đã lãnh đạo nhân dân của mình giành được độc lập theo con đường mà Tolstoi đã vạch ra; nên Gandhi suốt đời tôn sùng Lev Tolstoi là người thầy vĩ đại của mình. Qua những thư từ đấy, qua những lời phát biểu của Gandhi về Tolstoi, chúng tôi muốn để bạn đọc Việt Nam hiểu thêm thế nào là Tolstoi đối với thế giới, không phải chỉ với lĩnh vực văn học, mà đối với nhân loại, nên chúng tôi đưa phần thư từ của Tolstoi vào cuốn sách.
Ngoài ra, trong tác phẩm của ông, đến phút cuối cùng, chúng tôi cũng phải thấy là phải giành một phần cho những tư tưởng của Tolstoi về giáo dục. Ban đầu, chúng tôi thấy bộ sách này đã lớn rồi, nên định làm một cuốn sách riêng để giới thiệu những tác phẩm của Tolstoi về giáo dục. Nhưng rồi chúng tôi thấy, không biết đến bao giờ mới có thể làm được việc đó. Nên nhóm dịch giả đã thống nhất đưa vào cuốn sách này. Nhà giáo Vũ Thế Khôi rất nhiệt tình nhận dịch các tác phẩm của Tolstoi bàn về giáo dục. Trong khi những vấn đề về giáo dục hiện được nhận thức khá rõ đây là vấn đề quá nóng bỏng ở đất nước ta hiện nay. Chúng ta tham cứu được những tư tưởng về giáo dục của Tolstoi thì sẽ có thêm một hậu thuẫn chấn chỉnh nền giáo dục. Đây cũng cách đóng góp – mà nhà nghiên cứu Phạm Vĩnh cư gọi là rất nhỏ nhoi của nhóm dịch, cho nền giáo dục nước nhà.
Tolstoi còn dành nhiều tâm huyết cho vấn đề đạo đức con người, liên quan chặt chẽ với vấn đề giáo dục. Ông đặt vấn đề là làm sao con người có một nền đạo đức đích thực, một nền đạo đức bất di bất dịch, không gì phá vỡ được. Tolstoi có hẳn một hệ quan điểm thế nào là đạo đức của con người và loài người, và làm thế thế nào để giữ và phát triển được điều đó. Đây là một trọng điểm trong cuốn sách này, nhóm dịch giả trong theo đuổi điều này trong quá trình tuyển chọn, dịch thuật các tư liệu về Tolstoi. Mọi phát biểu của Tolstoi về đạo đức của con người và loài người đều được đưa vào cuốn sách này.
Thứ ba, là những quan điểm của Tolstoi về khoa học chân chính, về khoa học công nghiệp. Chúng ta có thể đều biết, Tolstoi phê phán rất gay gắt nền văn minh hiện đại, khoa học hiện đại. Nhưng Tolstoi phê phán như thế nào, tinh thần phê phán của Tolstoi như thế nào, ông có phải là người cổ hủ, không hiểu biết gì mà phê phán hay không, hay ông theo đuổi một mục đích nào đó để phê phán nền khoa học hiện đại, và cả nền công nghệ hiện đại. Nền văn minh chúng ta đang sống hiện nay cũng bị Tolstoi phê phán rất gay gắt. Nhưng chúng ta phải gạt đi những nhận định, những phê phán gay gắt đấy, nhìn đằng sau những phê phán ấy, có những hạt nhân chân lý nào mà Tolstoi theo đuổi. Tôi thấy rằng, thời gian lịch sử trôi qua, chúng ta có thể bình tĩnh nhận định, tiếp thu tất cả những ý kiến phê phán và xây dựng của Tolstoi, cũng như đối với một tư tưởng rất quan trọng của Tolstoi về phi bạo lực, về lấy thiện trả ác. Tolstoi là người kiên trì xây dựng cho loài người con đường phát triển phi bạo lực, con đường phát triển đấu tranh không dùng ác để chống ác, không lấy ác để trị ác, mà chỉ lấy cái thiện để khắc phục cái ác. Tolstoi có quan niệm rất sắt đá rằng cái ác cũng như bóng tối, không thể dùng bóng tối để xua tan bóng tối, mà chỉ có thể dùng ánh sáng để xua tan bóng tối. Tolstoi kiên trì suốt đời, cổ vũ mọi người, viết thư cổ vũ từng cá nhân, hay đấu tranh với cái ác bằng con đường thiện.
Hi vọng công việc mà nhóm dịch giả Phạm Vinh Cư tiến hành sẽ được độc giả Việt Nam hưởng ứng bằng cách quan tâm đọc Lev Tolstoi hơn, và đọc không chỉ ở những tác phẩm nghệ thuật mà cả những tác phẩm nghị luận, triết học, tôn giáo học của Tolstoi nữa.
Mời bạn đón đọc.
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn