Nếu xuất hiện vào thời điểm những năm 1990, cuốn sách có thể sẽ chung số phận “dâm thư” với "Rừng Nauy". Nhưng bây giờ là 2008, và "Đôi mắt ấy vẫn ở trên giường" nói với ta nhiều điều hơn là tình dục.
Tên sách: Đôi mắt ấy vẫn ở trên giường
Tác giả: Yamada Amy
Dịch giả: Lương Việt Dũng
NXB Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam
Đọc những trang đầu của một cuốn sách, đôi khi, thật giống những cuộc hẹn hò, khiến ta chán nản vì chẳng nồng nàn như mình nghĩ, khiến ta nhức óc vì những triết lý vòng vo, khiến ta mệt nhoài trước một cái tôi rình rập khoe mẽ. May mắn chỉ đến, khi ta gặp được ai đó đầy hứa hẹn, người khiến ta muốn nhìn ngắm, cảm nhận và lắng nghe, một người đánh thức trong ta những khao khát bản năng, đồng thời đủ mãnh liệt và chân thành để đi đến tận cùng những khao khát ấy. Đôi mắt ấy vẫn ở trên giường (Bedtime Eyes) là cuộc hẹn hò may mắn! Một câu chuyện thô ráp, dữ dội, cuồng phóng như điệu nhảy của thổ dân Phi châu, và da diết, đậm đặc, thật thà như Try me của danh ca James Brown vậy. Một câu chuyện của những đối cực, và sẽ được đón nhận ở những đối cực, như lời nhân vật nữ trong truyện nói về người tình Spoon của mình “Không có gì trung tính trong con người Spoon. Ấy là điều tôi biết được khi sống với anh ta. Cũng có thể bởi cuộc đời này, anh ta chưa bao giờ được ăn những món trung dung, thanh đạm. Anh ta quá ngọt, quá cay và ngậy mỡ”.
Nàng gọi hắn là Spoon, đơn giản vì lúc nào hắn cũng giấu một chiếc thìa bạc trong túi, và mân mê nó như một thói quen, một khoái cảm, thậm chí một xác tín hài hước gợi nhắc đến câu châm ngôn về những đứa trẻ sạch sẽ và may mắn “sinh ra đã ngậm chiếc thìa bạc trong mồm”. Spoon không may mắn. “Ở quận Bronx anh là rapper số dách. Anh rap mọi thứ đau buồn với giọng điệu vui tươi. Mười bốn tuổi, chị anh bị daddy hãm hiếp và trở thành mammy. Từ ngày đó anh biết trò chơi gái và nhiều cách làm tình. Nhưng anh chưa biết hôn”. Spoon không sạch sẽ, hắn là một U.A [1], sống bằng nghề bỏ mối cocaine, thích rượu, thản nhiên hút cần sa cùng bạn gái trong công viên, lúc say xỉn hay cáu giận sẵn sàng tặng nàng vài quả đấm, và cuối cùng bị đặc vụ còng tay vì âm mưu bán tài liệu mật. Bạn gái hắn, dù là người Nhật, cũng chẳng mang dáng dấp một geisha. Nàng là ca sĩ nửa mùa hát nhạc jazz tại hộp đêm, kết thân với một vũ nữ thoát y, và từng có cả tá người tình trước khi gặp Spoon ngố.
Hai con người không được nhìn nhận và chưa bao giờ được trọng vọng ấy may mắn tìm thấy nhau trong một quán bar. Và họ thuộc về nhau. Sau màn mở đầu chóng vánh và mãnh liệt như trận bão cát táp thẳng vào người đọc, phần còn lại của câu chuyện là những tháng ngày yêu đương điên cuồng và bất tận giữa hai kẻ dị chủng: Một lính Mỹ Phi và một người phụ nữ Nhật Bản. Spoon yêu người tình Nhật Bản của mình với tất cả sức lực, sự cuồng nhiệt, bản tính hoang dại của một gã trai châu Phi và kinh nghiệm của rapper đường phố. Và nàng, yêu hắn bằng tất cả các giác quan của mình, bằng thị giác “Da anh thật cứ như gỗ mun ấy nhỉ! Cái màu bất hạnh nhất và đẹp đẽ nhất. Dù có phơi nắng đến thế nào thì da tôi cũng còn lâu mới bén gót. Nhưng nếu bị rách, thì ứa ra vẫn sẽ là máu đỏ”, bằng khứu giác “Tôi vừa ra sức lấy môi bứt những sợi lông ngực, vừa tận hưởng cái mùi hoi nồng trên cơ thể người đàn ông… Thứ hương hăng hắc và ngọt ngào như bơ ca cao”, rồi thính giác, xúc giác và cả vị giác…
Gần gũi với Người tình bởi chủ đề tình dục dị chủng, gợi liên tưởng đến bộ phim gây tranh cãi Nine Songs của đạo diễn Micheal Winterbottom vì những cảnh ân ái kéo dài được diễn tả chi tiết, nhưng Đôi mắt ấy vẫn ở trên giường của Yamada Amy thực sự khiến người đọc rung động bởi tình yêu mộc mạc, nguyên thủy, nhưng đậm đặc và thấm thía nảy sinh giữa hai con người đến với nhau từ sức hút thân thể. Với Spoon, thân thể là ngôn ngữ của cảm xúc, hắn nói bằng những chuyển động của thân thể, tỏ bày bằng việc làm tình, xin lỗi bằng khoái cảm “Cái cơ thể màu đen vươn ra khỏi thành giường của Spoon gợi tôi nhớ đến Brother Rufus trong tiểu thuyết của James Baldwin. Nhân vật ấy vừa nghe saxophone vừa gào lên: em sẽ yêu anh chứ? Spoon thì chẳng cần đến saxo. Anh ta gửi thông điệp tới tôi bằng chính thân xác mình…”.
Và người tình Nhật Bản, từ cuộc săn tìm một khoái lạc mới mẻ, đến cảm giác thân thuộc ấm áp khi ở bên, trống trải ghen tuông khi đánh mất, yêu đến cả những điều ngờ nghệch và thực sự tìm thấy ký ức cho riêng mình khi đã rời xa “Tôi gõ cái thìa kêu váng lên cồng cộc. Nước mắt tuôn ra từ dưới mí mắt đang nhắm chặt. Tôi sợ rằng những ký ức về Spoon cũng theo đó mà chảy đi mất. Tôi đang nuối tiếc những kỷ niệm!… Nó vốn là một từ vô nghĩa với tôi. Tôi đã từng là một kẻ đại tài trong việc đánh mất trí nhớ. Ấy vậy mà lần đầu tiên tôi có một vật sở hữu cho chính mình”. Và có ký ức nghĩa là tồn tại như một con người đích thực! Hãy nghe Yamada nói về sex trong tác phẩm của mình “Người ta bảo tôi thích viết về sex, nhưng cái tôi muốn viết không phải là sex… Tôi muốn viết về những cái được sinh ra từ sex, vì vậy mà tôi phải miêu tả nó một cách chi tiết… Khi bạn yêu cơ thể ai đó, ấy là bạn đã yêu tâm hồn người ta rồi”.
Là một trong những nhà văn gây tranh cãi và có ảnh hưởng lớn nhất của văn học Nhật Bản đương đại, Yamada Amy từng nhận được nhiều giải thưởng danh giá của văn học Nhật Bản: giải Văn nghệ cho Đôi mắt ấy vẫn ở trên giường, giải Naoki lần thứ 97 cho Soul Music Lover Only, lọt vào danh sách đề cử giải Akutagawa cho Sống lưng của Jesse. Wataya Risa, tác giả trẻ tuổi nhất trong lịch sử giải thưởng văn học hàn lâm Akutagawa, thừa nhận các tác phẩm của mình chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Yamada. Báo chí coi Yamada cũng như văn chương của bà là một trong những hiện thân tiêu biểu cho hiện tượng Yellow Cab [2] nổi lên ở Nhật những năm tám mươi, bởi chủ đề tình dục dị chủng và hình tượng nhân vật người tình da đen trở đi trở lại nhiều lần trong tác phẩm của Yamada. Đó có thể là cái nhìn có phần thiên lệch của giới truyền thông trong nỗ lực chống lại cả một trào lưu đe dọa nam giới Nhật Bản. Nhưng đồng thời, tác phẩm của Yamada có thể cũng là cái nhìn của một Yellow Cab trong cuộc về sự nảy mầm của tình yêu từ những đường cong thân thể.
Hạnh Linh
(Evăn)
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn