Đợi Chờ
Một câu chuyện hấp dẫn và đầy tính thuyết phục, Một chuyện tình khắc khổ khác thường, tinh tế và đầy trớ trêu… Đó là những lời nhận xét mà tạp chí nổi tiếng của Mỹ New York Times và nhật báo Chicago Tribune dành cho tiểu thuyết Đợi chờ của nhà văn Cáp Kim. Cuốn tiểu thuyết này đã dành 2 giải thưởng lớn của Mỹ trong lĩnh vực văn học và xuất bản đó là giải thưởng sách quốc gia Mỹ và giải Pen/Faulkner. “Đợi chờ” do Alphabook giới thiệu qua bản dịch của Phạm Văn. Sách được nhà xuất bản Văn học ấn hành tháng 5 năm 2006.
“Mỗi mùa hè Khổng Lâm lại về làng Ngỗng để ly dị vợ là Thục Ngọc. Họ cùng đi đến trụ sở toà án huyện Ngô Gia nhiều lần, nhưng lần nào bà cũng đổi ý vào phút chót khi quan toà hỏi bà có chấp nhận ly dị hay ko. Năm này qua năm khác, họ đến huyện Ngô Gia và trở về với cùng một mảnh giấy hôn thú phòng đăng ký đã cấp cho họ hai mươi năm trước.
Hè năm nay, Khổng Lâm về với lá thư đề nghị ly dị mới. Một lần nữa ông dự tính mang vợ ra toà ly dị. Trước khi về nhà. Ông đã hứa vớí Ngô Mạn Na, người bạn gái ở bệnh viện, rằng lần này ông sẽ cố hết sức thuyết phục Thục Ngọc giữ lời.”
Trong cuốn tiều thuyết được đánh giá là bậc thầy về tình cảm và chính trị của mình, Cáp Kim đã sử dụng một cốt truyện tưởng như đơn giản, không có gì đặc biệt để khắc hoạ chi tiết về diễn biến tâm trạng, tình cảm của con người.
Khổng Lâm là một bác sĩ quân y. Cuộc hôn nhân do cha mẹ sắp đặt đã cản trở và trói buộc cả cuộc đời ông. Thục Ngọc, vợ ông, là một người phụ nữ thôn quê với khuôn mặt héo hon, và đôi bàn chân bó. Sự éo le xảy ra khi Khổng Lâm xao động trước Ngô Mạn Na, một y tá trong bệnh viện nơi ông làm việc. Thời đó, luật pháp không cho phép một quân nhân ly dị trong vòng 18 năm mà ko có sự đồng ý của vợ mình… Cũng vì lẽ đó mà mỗi năm, Khổng Lâm đều yêu cầu vợ mình chấp nhận cho ông được ly dị. Và năm nào cũng vậy, ông đều trở về từ toà án vẫn với tờ hôn thú chưa hề được xoá bỏ. Vì thế ông không thể tự do đi lại với Mạn Na.
Cáp Kim đã từng trải qua cuộc đời binh nghiệp trong thời gian phục vụ cho quân đội giải phóng nhân dân Trung Hoa. Ông quyết định sinh sống tại Mỹ sau biến cố Thiên An Môn. Đợi chờ có lẽ vì thế mà được nhìn nhận nhiều hơn dưới góc độ chính trị… Rực rỡ, sâu sắc… “Đợi chờ” kể về bài học về xã hội Trung Quốc từ thời cách mạng Văn hoá đến nay…. Nhận định của mục điểm sách tạp chí New York Times cũng là nhận định chung của nhiều tạp chí của Mỹ về tác phẩm này. Người ta có thể thấy trong tác phẩm những khát khao của con người đối chọi với gánh nặng của hàng thế kỷ tập quán, phong tục. 18 năm đợi chờ để ly dị vợ, 18 năm 2 người yêu nhau chỉ được đi chung trong khuôn viên bệnh viện, 18 những tình cảm chỉ được thể hiện trong ánh mắt, lời nói và cử chỉ. Bệnh viện quân y ở Mộc Cơ, ngôi nhà nhỏ của Khổng Lâm ở làng Ngỗng… hoàn cảnh xã hội tạo nên một ko gian bó hẹp, khiến người ta bức bối…
Tuy nhiên, vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc, thoát ra khỏi thời kỳ cách mạnh văn hoá, “Đợi chờ” là một câu chuyện về thân phận con người. Tác phẩm là một cuộc thám hiểm kỳ thú vào vùng đất quen thuộc mà ngàn đời nay vẫn còn bí hiểm – trái tim con người.
Mời bạn đón đọc.
(Ngày 22-07-2007)
Cáp Kim có một giọng văn đầy ám ảnh, cứ như chảy ra từ sâu thẳm trái tim của nhân vật. Không chỉ phản ánh chân thực cuộc sống ở một vùng quê nghèo Trung Quốc những năm cuối thế kỷ 20 với những hủ tục khắc nghiệt đến mức khó tin, Đợi chờ đã khắc họa những con người với nỗi đau số phận nặng trĩu, với khát vọng nhân bản bị đè nén tưởng như không thể có ở một không gian khác.
Mười tám năm ròng, bác sĩ Khổng Lâm tìm cách ly dị người vợ già do bố mẹ mai mối để thực hiện lời hứa với người yêu Ngô Mạn Na nhưng lần nào ông cũng thất bại. Mười tám năm ly thân, bố mẹ già ở quê cũng đã qua đời, sự tận tụy của người vợ quê mùa cũng không còn làm ông day dứt nhưng Khổng Lâm vẫn không thể. Và tình yêu với cô y tá cùng bệnh viện, từ lúc cô còn trẻ đến khi sắp thành bà già, cả hai không dám vượt qua sự cấm đoán.
Cho đến khi cả hai đạt được ước nguyện của mình, họ mới hiểu hạnh phúc thật ra có nhiều mùi vị, hạnh phúc là sự tiếp tục của những khổ đau, ràng buộc, những xúc cảm bất chợt lạ kỳ, mạnh hơn lý trí. “ Chỉ còn hai hôm nữa là đến tết. Mỗi mùa đông ông ở lại bệnh viện và luôn về nhà vào dịp hè. Kỷ niệm này khiến ông buồn bực. Không hiểu sao ông ước rằng Thục Ngọc và Hoa ghét ông và cấm ông đến căn nhà này. Có lẽ điều đó sẽ làm ông cảm thấy dễ chịu hơn, ít gắn bó với họ hơn. Chẳng mấy chốc ông không nén được cảm xúc. Ông thấy mình đáng thương, náo nức muốn nói điều gì làm họ hiểu ông nhưng lưỡi ông không còn là của ông nữa”.
Sức hấp dẫn của Đợi chờ là tác giả đã kể một câu chuyện xót xa, khốc liệt đến tận cùng nhưng vẫn đầy chất thơ, mộng mị. Một thực tế đầy tính thuyết phục nhưng mang hương vị cổ tích, có lẽ bởi tác giả hiểu hơn ai hết những ngóc ngách thầm kín, bí ẩn trong trái tim con người.
Thu Huyền
Xem thêm nhiều hơn Thu gọn
(Thứ bảy, 17/05/2008) | |
|