Đoán Án Kỳ Quan – Bộ 3 Tập (Bao Công Kỳ Án):
Đoán ánh kỳ quan là tên gọi chung một tập hợp những truyện phá án và xử án nổi tiếng nằm rải rác trong các sách cổ của Trung Quốc, nhất là ở hai triều đại Minh và Thanh. Về thể loại văn học, những truyện này được gọi là “tiểu thuyết”.
Tiểu thuyết công án ở Trung Quốc có nguồn gốc rất xa xưa, bắt đầu từ những ghi chép ngắn trong sử, truyện về sử có từ thời Tiên Tần, Lưỡng Hán (206 – 220). Tới tiểu thuyết bút ký trước đời Đường và đời Đường (618 – 907), tác phẩm về đề tài công án đã chiếm một tỉ lệ khả quan, để rồi chín muồi hơn ở truyền kỳ đời Đường.
Sang đến đời Minh và đời Thanh, tiểu thuyết công án tăng trưởng rất mạnh về số lượng, về chất lượng cũng được nâng cao rõ rệt. Tiểu thuyết công án không chỉ có trong các tập truyện ngắn nổi tiếng xưa nay như các tập Du thế minh ngôn, Cảnh thế thông ngôn, Tỉnh thế hằng ngôn (được gọi tắt là Tam ngôn), Phách án kinh kỳ, Nhị khắc phách án kinh kỳ (gọi tắt là Tam ngôn), Tham hoán báo, Thập nhị lâu… mà còn có hẳn những tập truyện chuyên viết về đề tài công án như Bao Công án, Địch công án, Long Đồ công án… Cho đến giữa đời Thanh, tiểu thuyết công án có thêm sắc thái mới, đó là hợp dòng với tiểu thuyết võ hiệp như các truyện dài ở Bành Công án, Tam hiệp ngũ nghĩa…
Sự phát triển của tiểu thuyết công án cho thấy thể loại này ngày một có địa vị đáng kể trong văn học Trung Quốc. Từ nhiều mặt của cuộc sống, tiểu thuyết công án đã phản ánh cuộc đấu tranh giằng co quyết liệt giữa cái ác và cái thiện, giữa tội ác và pháp luật, cho thấy tội ác dù tinh vi, xảo trá đến mức nào thì cuối cùng bị pháp luật trừng trị. Ở đó, đạo đức truyền thống của phương Đông như chính nghĩa, công bằng, nhân hậu, thật thà… luôn được đề cao, song vì là truyện cổ nên không tránh khỏi ảnh hưởng của tư tưởng nhân quả báo ứng, một tư tưởng mà trong thời kỳ chính quyền bất lực trước tội ác, thường được người dân bị cái ác ức hiếp lấy làm chỗ bám víu, an ủi.
“Người ta thường nói: Trừ cỏ tận gốc, có nghĩa là, trừ ác cũng phải trừ tận gốc. Song thánh nhân lại nói rằng: ghét kẻ bất nhân quá đáng sẽ sinh loạn. Quá khích thì sinh biến loạn, bởi thế không thể không đề phòng. Chẳng hạn như thời Gia Tĩnh triều Minh, có một vụ án oan mà khiến cho ai ai cũng phải nghiến răng căm giận. Chỉ vì trị bọn tiểu nhân mà liên quan đến đại thần quốc thích. Vì triều đình bảo vệ quốc thích mà tha cho bọn tiểu nhân, khiến bọn gian manh lọt lưới, còn viên quan thẳng thắn thi hành pháp luật thì lại bị cho là hãm hại người vô tội, rồi bị bắt giam vào ngục đền tội. Các quan trong Đài gián, có người đứng ra tranh luận đều bị giết một cách nhục nhã, và trở thành thảm hoạ trong giới quan lại. Há đây chẳng phải là sự thưởng phạt hết sức vô cớ sao!
Song quân tử cũng có chỗ không đúng. Cổ nhân xưa từng nói: Đánh chuột phải loại trừ đồ vật. Thiết nghĩ, các bậc quân tử phải biết tính toán từ trước, sao lại để đến nỗi phải đắm chìm vào án oan, đến khi quan mới lên thay, công luận mới đề cập tới. Thế mới thấy, ghét kẻ ác đừng ghét quá đáng, và không thể không theo lời dạy của thành nhân…”.
Mời bạn đón đọc.