Mọi hoạt động diễn ra hàng ngày tại các tổ chức, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, ở một mức độ nào đó đều liên quan đến lĩnh vực tài chính – tiền tệ nói chung, thu-chi ngân sách nhà nước nói riêng. Những năm trước đây, do chưa có định mức, tiêu chuẩn chi tiết, cụ thể nên các công việc như: mua sắm trang thiết bị, vật tư, phương tiện đi lại, xây dựng trụ sở, nhà xưởng, chi trả tiền lương, tiền thưởng và các loại phụ cấp, trợ cấp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, tổ chức đào tạo, đào tạo lại cán bộ, công chức, tổ chức hội nghị, hội thảo… đã bộc lộ những hạn chế, đôi khi dẫn đến tiêu cực gây lên những bức xúc trong xã hội.
Để khắc phục những hạn chế và tiêu cực xảy ra trong các hoạt động liên quan đến tài chính – tiền tệ, đến việc thực hiện chi ngân sách, Nhà nước ta đã ban hành Luật Quản Lý, sử dụng tài sản nhà nước, chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cũng đã ban hành các quy định về tiêu chuẩn, định mức quản lý, sử dụng tài sản, nguồn vốn nhà nước, phương tiện đi lại, định mức biên chế, tiền lương, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, công tác phí, chi phí tổ chức đào tạo cán bộ, công chức, chi phí tổ chức hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế…
Nhằm giúp đỡ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ, công chức nghiệp vụ trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước… có đầy đủ tài liệu cần thiết làm cơ sở cho việc lãnh đạo, quản lý và tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ các vấn đề nêu trên. Nhà Xuất Bản Lao Động xuất bản cuốn sách Định mức và chế độ quản lý tài chính, công tác phí, chi tiêu hội nghị, trang thiết bị và phương tiện làm việc, đi lại trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty nhà nước, các đơn vị cơ sở, định mức phân bổ vốn đầu tư, định mức dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước. Hệ thống mục lục ngân sách nhà nước 2011- 2015.
Nội dung cuốn sách gồm bảy phần:
Phần thứ nhất: Quy định chung về quản lý tài chính đối với cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập
Phần thứ hai: Quy định về quản lý tài chính đối với ngành giáo dục và đào tạo
Phần thứ ba: Quy định về quản lý tài chính đối với ngành y tế, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội
Phần thứ tư: Quy định về quản lý tài chính đối với ngành văn hóa thông tin, xã hội, thể dục – thể thao
Phần thứ năm: Quy định về quản lý tài chính đối với ngành khoa học và công nghệ
Phần thứ sáu: Một số văn bản khác
Phần thứ bảy: Hệ thống mục lục ngân sách nhà nước
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.