Điệu Tần – Tập 2:
“Ngọn bút ảo huyền vào ra nơi tam giới
Tình yêu ngược ngạo làm phách động hồn kinh
Bản thảo viết bốn lần, cạn khô dòng huyết lệ
Nay sách đã thành, vỗ yên được nửa cố hương tình
Ai làm chủ thịnh suy: Sự đổi chất với nhau giữa trời, đất, người
Nhẫn nại lặng mà coi: Cuộc đọ sức nổi chìm giữa mệnh, vận, thế”
“Tôi quyết tâm lấy cuốn sách nảy làm một tấm bia dựng lên cho quê hương mình.
Vào mùa xuân năm 2003, tôi bắt đầu cầm bút viết cuốn sách với một tấm lòng hăng say cháy bỏng. Tôi đã làm lễ cúng vong nhân ở phố Lệ Hoa trong vòng hai mươi năm trở lại đây, và cũng rót một chén rượu xuống đất cho những người còn sống. Cũng từ đó, trong phòng viết của tôi, có đặt thêm một chiếc bình gốm đời Hán thật to. Ngày ngày tôi đốt hương ở đó, làn khói hương bốc lên, trông như một sợi dây vươn lên trần nhà. Trong trang viết của tôi, tràn đầy sự mâu thuẫn cùng khổ đau, tôi không biết nên ca ngợi hiện thực, hay nguyền rủa nhân sinh, không biết nên mừng vui thay cho các bậc phụ lão hương thân, hay nên buồn thương thay cho họ….” (Giả Bình Ao)
“Cha Trung Tinh nói, khi ông mất, thể xác ông sẽ không rữa nát, nhưng chẳng thấy ông cho đóng áo quan, chui vào đấy, nằm chờ chết, mà cứ vài ba ngày một lần, lại tự bói cho mình một quẻ. Hứ! Nhưng những lời bói toán của ông chẳng có ích bằng những lời bói toán của tôi.
Tôi nói:
– Ông nhất định phải sống, nhất định phải sống! Cái cây của tôi ấy, cái cây mà tôi rút chiếc cành trên mái lều xuống, đem cắm xuống đất, vậy mà nó sống thật. Nó nẩy búp, trổ lá…..
Tôi khoái chí, ngồi dưới gốc cây, hát một làn điệu Tần trong vở: ‘Gặp gỡ khéo thay’
Ở kênh bẩy dặm tôi hát những làn điệu Tần, trên bầu trời, những làn mây màu sặc sỡ bay bay, lại có cả con chim lớn, xoè đôi cánh phẳng phiu, nổi trong không khí. Nhưng cây bạch quả ở chùa Đại Thanh lại đang ứa nước mắt. Chuyện nó rơi nước mắt là có thật. Kim Liên ngồi một mình bên chiếc bàn lớn ở phòng họp trong trụ sở thôn, khởi thảo bản kế hoạch sinh đẻ có kế hoạch, nghe tiếng mưa rơi tí tách, tí tách, ngó ra ngoài nhìn, trời vẫn hửng, mà bên dưới cây bạch quả lại ước cả một vùng, ngước nhìn lên cây, lại thấy những chiếc lá trên một cành cây đang nhỏ nước. Kim Liên lấy làm lạ, bèn gọi tất cả những người đang đứng trên bãi đất trong trước lầu nhà hát sang xem, có người cau mày, bảo rằng, cây bạch quả này đã bị nhiễm bệnh giống y như bệnh của cây bạch dương trong vườn quả của Tân Sinh, nhưng, một cây là ma vỗ tay, một cây là rơi ra nước mắt, phải chăng phố Thanh Phong năm nay lại rơi vào vận xúi, bất lợi…..”
Mời bạn đón đọc.