Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra định nghĩa về sức khỏe: “Sức khỏe không chỉ là không bệnh tật mà là trạng thái hoàn toàn sảng khoái về thể chất, tinh thần và xã hội”. Định nghĩa này cho thấy thân và tâm của con người dính liền với nhau như hình với bóng, và có sức khỏe có nghĩa “thân tâm an lạc”.
Trong cuộc sống, ta đều thấy rất rõ là khi thân có an thì tâm mới lạc. Ngược lại, khi tâm cứ mãi lo âu phiền muộn, không chóng thì chầy thân sẽ lâm vào bệnh hoạn. Chính tâm ta có lạc, dù cuộc sống trĩu nặng ưu phiền mà tâm vẫn an nhiên thì thân vẫn an để sống khỏe. Cũng vì thế, ngày nay người ta rất chú trọng đến yếu tố tâm lý – tinh thần của con người. Quyển sách này là tập hợp các bài viết của PGS. TS. Nguyễn Hữu Đức với các chủ đề liên quan đến yếu tố tâm lý – tinh thần của con người nhằm đạt đến sức khỏe toàn diện. Đây là chủ đề rất rộng nhưng thực chất xoay quanh “cái tôi” của mỗi con người. “Cái tôi” thường được cảm nhận là cần thiết vì nó chỉ những gì là sự tồn tại của chính mình, khẳng định mình là có mặt trên đời này. Nhưng “cái tôi” cũng là kẻ khôn ngoan, ma mãnh, gian trá và là vật xấu ác, là lực phá hoại mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, xã hội. Từ “cái tôi” của người thầy thuốc mà nảy sinh “lương y như từ mẫu”. Từ “cái tôi” của con người mà có “buông bỏ”, “lời nói yêu”, “niềm tin có thể chữa được bệnh”, “hỷ xả cho người, từ bi cho mình”…
Mời bạn đón đọc.