Cuốn sách này dành cho những người quan tâm tới việc thực hành chánh niệm trong khi nuôi dạy trẻ. Cuốn sách này chủ yếu dành cho các bậc cha mẹ (hoặc những người sắp làm cha mẹ), nhưng nó cũng hữu ích với những người khác có tham gia chăm sóc trẻ như ông bà hoặc người giữ trẻ.
Chánh niệm có thể được sử dụng xuyên suốt trong cuộc sống gia đình như một nguyên tắc hướng dẫn nuôi dạy trẻ tại bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, cuốn sách này chủ yếu đưa ra ví dụ trong những năm đầu làm cha mẹ, bởi trong thời kỳ căng thẳng này, các bậc cha mẹ thường phải tìm ra những cách thức mới để đối mặt với các thử thách mà họ gặp phải.
Cuốn sách này phù hợp với mọi bậc cha mẹ, dù bậc cha mẹ đó:
– Chưa biết gì về việc làm cha mẹ và chánh niệm.
– Đã biết về việc làm cha mẹ, nhưng chưa biết gì về chánh niệm.
– Đang thực hành chánh niệm nhưng cần sự giúp đỡ để kết hợp chánh niệm vào cuộc sống gia đình mới.
Trích đoạn sách:
Thế nào là dạy con trong chánh niệm?
Nuôi dạy con cái là một việc không hề dễ dàng và vô cùng rủi ro: Cách chúng ta tương tác với con trẻ trong những năm đầu đời đóng vai trò rất quan trọng đối với mối quan hệ với con trẻ khi chúng lớn lên, cũng như đối với sự phát triển của chúng.
Cha mẹ thường phải học những kỹ thuật mới và trau dồi kỹ năng để vượt qua những thử thách của cuộc sống gia đình, đặc biệt là trong những năm đầu. Đây là một giai đoạn rất căng thẳng bởi trẻ nhỏ cần rất nhiều thứ và đòi hỏi rất nhiều sự chú ý cũng như nguồn lực của cha mẹ.
Chánh niệm sẽ giúp được gì cho cha mẹ?
Chánh niệm có thể giúp chúng ta
– giữ bình tĩnh trong khủng hoảng
– cảm thấy gắn kết hơn với con cái và mọi người
– kiên nhẫn
– ném mình vào một hoạt động
– không nói những điều có thể làm bản thân hối hận
– giữ được nhãn quan rộng mở
Những phẩm chất này có thể cải thiện cuộc sống của bất kỳ cá nhân nào, đặc biệt là các bậc cha mẹ. Ở cạnh trẻ con giống như đang ở cạnh cái loa bật to. Tất cả mọi thứ đều bị cường điệu và ngày nào trẻ con cũng có thể thể hiện mọi cung bậc cảm xúc của con người. Tất nhiên, khó khăn đến với tất cả mọi người chứ không chỉ riêng cha mẹ. Nhưng khi làm cha mẹ, bạn sẽ thường xuyên phải đối mặt với những tình huống phức tạp đến mức bạn sẽ thấy ngạc nhiên (và đôi lúc bị quá tải). Cha mẹ sẽ bị con nôn vào người, hét vào mặt, chọc vào mắt, đánh thức nhiều lần trong đêm; họ sẽ phải tách những đứa trẻ đang cấu xé nhau ra; họ sẽ phải bị lải nhải bên tai câu “Con muốn cái kẹo đó” 27 lần; họ sẽ bị bẽ mặt trong siêu thị; họ sẽ phải nghe câu “Con yêu cha/mẹ” và “Con ghét cha/mẹ” cùng một lúc; đôi lúc, họ sẽ phải làm tất cả mọi việc bằng một tay; họ sẽ phải đọc một câu chuyện sáu lần liên tiếp; họ sẽ phải cứu con khi con bị hóc, an ủi con khi con khóc, dỗ con khi con sợ bóng tối; họ sẽ phải tìm đường đi xuyên qua những ồn ào, hỗn loạn, rắc rối liên miên bất tận – tất cả những điều trên và hơn thế nữa – mà có thể xảy ra chỉ trong một ngày. Chánh niệm có thể giúp cha mẹ đối phó với tất cả những điều đó.
Chánh niệm có thể cho chúng ta một chút khoảng cách với con cái mà không xa lánh con cái. Nó giúp duy trì một khoảng lặng bên trong, từ đó chúng ta có thể ở cạnh con cái mình nhưng không bị cuốn vào những rắc rối của chúng.
Đồng thời, nó cũng giúp chúng ta không bị cuốn vào những rắc rối của chính mình. Đây không phải là một ý tưởng mới – bằng trực giác, các bậc cha mẹ ở khắp mọi nơi từ lâu đã hiểu được rằng việc giữ bình tĩnh sẽ giúp họ vượt qua mọi chuyện. Điểm mới ở đây có lẽ là khía cạnh chúng ta có thể chủ động tăng khả năng giữ bình tĩnh của mình. Chúng ta có thể khiến tâm trí hiện diện nhiều hơn chỉ đơn giản bằng cách cố gắng để cho nó hiện diện nhiều hơn. Và khi chúng ta kết hợp sự rèn luyện này với việc làm cha mẹ, chúng ta sẽ có một công cụ vô cùng hữu hiệu. Tất cả các bậc phụ huynh đều sử dụng và trải nghiệm chánh niệm dù cho họ có thể chưa bao giờ nghe đến nó. Cuốn sách này sẽ giúp bạn nhận ra chánh niệm mỗi khi nó xuất hiện để bạn có thể bắt đầu thấy được sức mạnh của nó. Cuốn sách cũng sẽ giúp bạn trau dồi chánh niệm để bạn có thể khơi dậy nó thường xuyên hơn, duy trì nó lâu hơn, ngay cả khi thịt đang cháy và con đang khóc.
VẬY CHÁNH NIỆM LÀ GÌ?
Chánh niệm ít nhiều giống với từ “ý thức” trong ngôn ngữ thường ngày, nghĩa là nhớ đến hay nghĩ về một điều gì đó và để cho nó ảnh hưởng đến hành động. Ví dụ: “Đừng vứt rác bừa bãi, phải có ý thức với môi trường xung quanh chứ.” Tuy nhiên, từ gốc của nó có nghĩa rộng hơn nhiều. Nó bắt nguồn từ từ sati trong tiếng Pali. Sati là phẩm chất của tâm trí khi chúng ta nhận thức những gì đang xảy ra trong khoảnh khắc hiện tại. Sự nhận thức này có thể bao gồm nhận thức về cơ thể, suy nghĩ và môi trường của chúng ta. Nó không phải một sự tập trung chú ý cố định vào một điểm, mà là một sự quan sát rộng mở những việc đang xảy ra. Đúng là chánh niệm có liên quan đến việc ghi nhớ nhưng không phải ghi nhớ một cái gì cụ thể mà chúng ta “ghi nhớ” khả năng nhận thức của mình.
ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA KHI CHÚNG TA CÓ CHÁNH NIỆM?
Khi chúng ta có chánh niệm, chúng ta trải nghiệm cuộc sống như nó đang diễn ra. Khi chánh niệm sâu hơn, cảm giác của chúng ta về một bản ngã riêng biệt sẽ giảm bớt, giúp chúng ta cảm thấy gắn kết hơn với thế giới xung quanh. Cảm giác về việc hoàn toàn hiện diện trong hiện tại này khiến mọi thứ trở nên mãnh liệt hơn, chân thực hơn. Khi chúng ta có chánh niệm, chúng ta có thể quan sát xem các suy nghĩ của mình đang đi về đâu thay vì bị cuốn theo nó. Chúng ta cũng nhận thức hơn các cảm xúc của mình, cho dù đó là niềm vui, nỗi buồn, sự hài lòng hay tức giận. Và khi chúng ta có chánh niệm, chúng ta sẽ dễ dàng lựa chọn nên hành động dựa trên những cảm xúc đó hay không.
TRAU DỒI CHÁNH NIỆM
Chánh niệm không chỉ là một trạng thái dễ chịu thỉnh thoảng mới có mà chúng ta hoàn toàn có thể trau dồi nó. Dù chánh niệm có thể tồn tại trong khi chúng ta đang suy nghĩ hay thực hiện bất cứ việc gì nhưng cách tốt nhất để đạt được chánh niệm là mang sự chú ý quay lại khoảnh khắc hiện tại. Cách đơn giản nhất để làm điều này là nhận thức hơi thở của mình. Hơi thở lúc nào cũng ở cạnh ta, nhưng mỗi lần một khác. Do đó, hơi thở là một lựa chọn lý tưởng để chúng ta lấy lại nhận thức. Không giống những phẩm chất khác như kiên nhẫn hoặc quảng đại (mà đôi khi chúng ta cần phải cố gắng nhiều hơn thì mới có được), chánh niệm quay trở lại ngay khi chúng ta nhận thấy tâm trí mình đang lang thang. Mặc dù vậy, chắc chắn chúng ta sẽ lại nhanh chóng quên chúng ta đang làm gì và tâm trí chúng ta sẽ lại lại lang thang theo một hướng khác, thường là về quá khứ, tương lai hoặc một viễn cảnh nào đó. Việc mang sự chú ý trở lại hơi thở giúp chánh niệm tái xuất và những sự xao lãng tâm trí đi qua chúng ta. Khi chúng ta mang sự chú ý vào khoảnh khắc hiện tại hết lần này đến lần khác, nó sẽ nhanh chóng trở thành một thói quen tinh thần và chánh niệm sẽ xuất hiện ngày càng dễ dàng hơn, thường xuyên hơn. Dù cho chúng ta có mong muốn thế nào thì việc nhớ để chánh niệm cũng rất khó, vì vậy sẽ hữu ích nếu chúng ta dành ra những khoảng thời gian cụ thể để luyện tập. Một trong những cách tốt nhất là ngồi yên lặng vài phút mỗi ngày và chỉ tập trung vào hơi thở. Đây chính là thiền. Trên thực tế, chúng ta có thể thiền vào bất kỳ thời gian nào trong ngày, dài hoặc ngắn tuỳ ý, và ở bất kể điều kiện nào. Nhưng việc ngồi yên lặng theo cách thiền chính thống và không bị bất kỳ điều gì quấy rầy sẽ giúp chúng ta tập trung và gắn kết với bài tập.
NGUỒN GỐC PHẬT GIÁO
Chánh niệm đã trở nên rất phổ biến trong những năm gần đây và đôi khi được miêu tả là một cuộc cách mạng “hoàn toàn mới” trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ. Trên thực tế, chánh niệm không hề mới. Đạo Phật đã dạy và thực hành nó trong suốt hơn 2.500 năm. Các văn bản Phật giáo chứa đựng những giải thích sâu rộng về cách trau dồi chánh niệm (và các phẩm chất tích cực khác của tâm trí) để bớt đau khổ và trở nên hạnh phúc hơn. Những nhà tiên phong trong thời hiện đại, đặc biệt là Jon Kabat-Zinn ở Mỹ và Mark Williams ở Anh, đã phát hiện ra chánh niệm khi đang tìm kiếm những cách thức mới để điều trị căng thẳng và trầm cảm. Họ thấy việc thực hành chánh niệm cung cấp cho bệnh nhân những kỹ năng tinh thần mới giúp phá vỡ vòng luẩn quẩn của những suy nghĩ tiêu cực. Họ cũng phát hiện ra rằng chánh niệm có thể làm tăng mức độ hạnh phúc ở những người không gặp các vấn đề về sức khoẻ tâm thần. Họ đã phát triển một hệ thống thực hành chánh niệm dựa trên những yếu tố mà họ thấy là có hiệu quả nhất trong giáo lý đạo Phật, bỏ qua nhiều tập quán, quy định đi kèm cũng như những khác biệt về văn hóa và tín ngưỡng. Cụ thể, các chương trình MBSR1 và MBCT2 nổi tiếng do Kabat-Zinn và Williams phát triển không chứa đựng bất kỳ hướng dẫn nào về lối sống đạo đức. Trong Phật giáo, lối sống đạo đức là một khía cạnh quan trọng của con đường thoát khổ và có tác dụng bổ trợ cho chánh niệm. Kabat-Zinn, Williams và những người khác đã giúp phương Tây tiếp cận chánh niệm dễ dàng hơn rất nhiều và có lẽ thành công này chỉ có thể đạt được thông qua việc “thế tục hoá” nó. Tuy nhiên, tôi tin rằng việc không cho tâm trí tiếp xúc với nguồn trí tuệ này sẽ giới hạn tiềm năng của chúng ta. Với chánh niệm, tôi nghĩ không nên ngả về bất kỳ bên nào – đạo Phật hay không đạo Phật. Vì vậy, ở phần sau của cuốn sách này, tôi sẽ trở lại với các ý tưởng của đạo Phật và nói về chủ đề làm sao chúng ta có thể tác động tới chánh niệm thông qua việc phát triển các trạng thái tâm lý tích cực đi kèm và các cách sống khác nhau. Điều này không có nghĩa là bạn cần theo đạo Phật mới hưởng lợi từ việc nuôi dạy con có chánh niệm. Tất cả các bậc cha mẹ, dù quan điểm tôn giáo là gì, đều có thể hưởng lợi từ việc nhận thức tốt hơn về bản thân, tác dụng mà chánh niệm mang lại.
Mời bạn đón đọc.