Dấu Chân Của Thầy:
Kể từ khi xuất hiện bằng xương, bằng thịt như một con người trong lịch sử nhân loại và sau đó rao giảng Tin mừng, rồi bị bắt, bị kết án tử hình bằng cách đóng đinh trên thập giá, sau ba ngày, sống lại và lên Trời. Đức Giêsu đã làm tốn không biết bao giấy mực, mà bốn cuốn đầu tiên – cũng là bốn cuốn nền tảng, được gọi là bốn cuốn Phúc Âm hay Tin mừng – do chính bốn trên tổng số 12 đồ đệ của Đức Giêsu là Máccô, Mátthêu, Luca và Gioan viết ra. Và tiếp theo đó, người ta viết nhiều- rất nhiều – về Đức Giêsu.
Quả là Đức Giêsu, sau 33 năm sống trên trần gian, nhất là ba năm cuối cùng khi bước vào con đường rao giảng Tin mừng, để lại những dấu chân. Những dấu chân trên rừng, dưới biển, bất cứ ở nơi đâu có con người, nhất là những con người nghèo hèn, bị bỏ rơi. Những dấu chân ghi dấu hành trình cứu độ nhân loại mà kết thúc là những dấu chân đẫm máu trên thập giá trên đồi Núi Sọ. Những dấu chân mà hơn 2000 năm qua, đã có biết bao con người lần bước theo để khám phá lại trong tự do, thông điệu yêu thương của Con Người đã sống đến tận cùng điều đã khẳng định: ” Không có tình yêu nào lớn hơn kẻ dám hy sinh mạng sống mình cho người mình yêu”. Những dấu chân có thể có rêu phong theo năm tháng nhưng với những ai theo dõi, lại luôn mang đến những sức sống mới cho con người trong thời đại.
“Dấu chân của thầy” là tác phẩm thứ hai – và có thể chưa phải là cuối cùng – của linh mục Ngô Phúc Hậu viết về Đức Giêsu. Điều đó cho thấy những dấu chân cách đây hơn 2000 năm vẫn không ngừng là nền tảng Đức tin đồng thời là nguồn cảm hứng văn chương của ông.
Ngô Phúc Hậu, một linh mục và là một nhà văn. Là linh mục, ông bước theo “Dấu chân của Thầy” với tất cả tự do – và kể cả táo bạo – trong suy tư và xác tín của một người có niềm tin Kito giáo. Là nhà văn, ông chia sẻ một cách thẳng thắn những khám phá, cũng có khi là những hụt hẫng và kể cả thất vọng rất con người của ông trên – hay về – từng “Dâu chân của thầy” với một giọng văn bình dị, gần gũi, lắm khi đùa cợt của một người vừa quá tin và vừa quá yêu Thầy của mình. (Nhà báo Nguyễn Thanh Long)
Đọc Dấu chân của Thầy, tôi thấy cha Hậu đường như là tác giả một cuốn Phúc âm mới. Hơn thế nữa, sau khi đọc xong tác phẩm, độc giả công giáo hẳn cũng muốn trở thành tác giả cho cuốn Phúc âm của đời mình, một cuốn Phúc âm không phải để đọc, mà là để sống. Hay chính xác hơn: Mỗi người sẽ muốn tự biến mình thành một cuốn Phúc âm mới, được Thiên Chúa dùng Thần Khí Người mà viết Lời Hằng Sống trên con tim bằng thịt của mình. (Trần Duy Nhiên).
Mời các bạn đón đọc.